Người Tổ trưởng “có một không hai”

23/07/2013
(VBSP News) Người dân xã Tiến Thành, huyện Yên Thành cũng như những cán bộ của NHCSXH tỉnh Nghệ An đã không còn xa lạ gì khi nhắc đến tên bà Nguyễn Thị Đào - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xóm nghèo Đồng Tròn. Nỗ lực và tận tâm của bà đã giúp nhiều người láng giềng thoát nghèo, xây dựng kinh tế ổn định hơn.
Với chiếc xe đạp cà tàng, suốt chục năm qua, người Tổ trưởng tâm huyết đã quá gần gũi với bà con nghèo nơi đây

Với chiếc xe đạp cà tàng, suốt chục năm qua, người Tổ trưởng tâm huyết đã quá gần gũi với bà con nghèo nơi đây

Gần 10 năm nay, hình ảnh người phụ nữ dáng cao gầy luôn thường trực nụ cười đôn hậu thường dắt chiếc xe đạp cà tàng kèm theo chiếc xắc cước treo ở trước xe rong ruổi từ đầu làng đến cuối xóm đã quá quen thuộc với người dân xóm Đồng Tròn. 8 năm về trước, khi đang tham gia Hội Phụ nữ xóm Đồng Tròn, xã Tiến Thành, bà được bà con yêu mến tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm. Suốt 8 năm qua, sau những giờ làm đồng, giữa buổi trưa nắng chói chang khô khát và cái nóng hừng hực của những cơn gió Lào thổi phù phù khiến bụi đỏ bay mù trời, người Tổ trưởng này cặm cụi tới mỗi hộ dân, vì đó là “thời cơ” tốt để bà có thể gặp bà con nói chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng thành viên trong tổ. Hiện, Tổ tiết kiệm và vay vốn do bà Đào làm Tổ trưởng có tổng dư nợ lên tới hơn 1,3 tỷ đồng với hơn 50 hộ được vay trong nhiều chương trình như: HSSV; hộ nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhưng suốt thời gian qua chưa hề có một đồng nợ xấu. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo nhờ chăn nuôi hiệu quả, nhiều hộ nuôi con cái ăn học đàng hoàng như hộ bà Nguyễn Thị Hoạt có 4 con học đại học, hộ ông Nguyễn Hữu Đanh nuôi 3 con học đại học…

Nói về phương pháp để có được thành quả như vậy, bà Đào tâm sự: “Mỗi người có một cách làm, với tôi đó chính là xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn của bản thân nên tôi hiểu được đối tượng chính sách cần gì. Từ đó, tôi gặp từng đối tượng tìm hiểu kỹ lưỡng về nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của họ để có sự tư vấn hỗ trợ kịp thời”.

Không chỉ nộp gốc, lãi đúng hạn, đầy đủ, việc tiết kiệm ở tổ này cũng được các hộ vay hưởng ứng mạnh mẽ theo hình thức “bỏ ống lợn” từ 30 đến 50 ngàn đồng mỗi tháng. “Tích tiểu thành đại”, đến nay số tiền tiết kiệm của Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Đồng Tròn đã lớn nhất huyện Yên Thành.

Là Tổ trưởng, để “nói bà con nghe”, vận động được bà con chòm xóm, chính bản thân bà Đào cũng phải nỗ lực hết mình trong việc cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Do chồng thường xuyên đau ốm, bà phải đứng ra cáng đáng hầu hết mọi việc trong nhà, từ cày bừa cho tới cấy hái… Ở vùng quê nghèo đất đai cằn cỗi này, điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, thường xuyên khô hạn, dù vậy bà vẫn tìm mọi cách để khai hoang từng mét đất; thầu lại những đám ruộng “trên cồn, dưới vệ” mà nhiều người không làm được rồi từ từ bằng sức lao động của mình, bà tích cực cải tạo, bón nhiều phân hữu cơ, thường xuyên thức khuya, dậy sớm để ra đồng tát nước… nên dần dần bà đã có những đám ruộng tươi tốt. Kinh tế ổn định, bà cũng có điều kiện chăm sóc gia đình êm ấm, nuôi con ăn học đàng hoàng. Từ tâm lý mình nghèo nên nỗ lực để gia đình và chòm xóm thoát nghèo, bao năm qua, người Tổ trưởng này miệt mài với nhiệm vụ, coi niềm vui thoát nghèo của các hộ gia đình là niềm động viên lớn nhất của mình. Bà cũng đã nhận được rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của NHCSXH cũng như chính quyền địa phương vì đóng góp này, nhưng bà luôn tâm niệm, sự khen thưởng đặc biệt nhất với bà đó chính là sự gần gũi, thân thương từ tấm lòng của bà con dành cho người Tổ trưởng đầy tâm huyết này.

Ngọc Quý

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác