Trần Nguyễn Khoa Đăng - Giám đốc trẻ thực sự gắn bó với đồng bào nghèo
Trong câu chuyện thân tình, cởi mở, tôi được biết anh sinh năm 1980 tại một làng quê nghèo của huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Tuổi thơ, anh đã chứng kiến sự khó khăn của làng quê nghèo nên ý chí và nghị lực “phải học và học giỏi” để sau này trở thành một người có ích cho xã hội. Rồi mơ ước ấy đã trở thành hiện thực khi cuối năm 2002, Đăng tốt nghiệp Đại học Kinh tế - chuyên ngành Tài chính tín dụng (Đại học Cần Thơ). Sau khi tốt nghiệp, anh thi tuyển vào chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng và được nhận vào công tác; năm 2004, được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ kế hoạch nghiệp vụ; rồi đến năm 2006, anh được đề bạt giữ chức vụ Phó giám đốc NHCSXH huyện Long Phú khi mới 26 tuổi đời. Trong quá trình công tác ở NHCSXH huyện Long Phú, hàng năm, Đăng cùng với tập thể lãnh đạo, cán bộ nơi đây đều hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Cuối năm 2010, Trần Nguyễn Khoa Đăng được điều động làm Giám đốc NHCSXH huyện Trần Đề - là huyện mới thành lập trên cơ sở chia tách 2 huyện: Long Phú và Mỹ Xuyên. Do mới thành lập nên huyện còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn ở mức cao (hơn 27%). Đảm nhận cương vị lãnh đạo, việc đầu tiên Đăng làm là củng cố quy chế làm việc, tổ chức, phân công công việc rõ ràng, tạo sự phối hợp nhịp nhàng, vừa tăng cường kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa cán bộ với nhân viên, giữa Tổ tín dụng với Tổ kế toán. Song song đó, để nâng cao hiệu quả công tác, Đăng đã thực hiện chủ trương khoán công việc cho từng cán bộ. Việc khoán công việc được thực hiện một cách cụ thể, chi tiết, từ việc lập kế hoạch công tác, báo cáo hàng tháng cho đến việc thực hiện các chỉ tiêu về khối lượng, chất lượng công việc. Mọi sai sót của từng cán bộ và kể cả lãnh đạo đều bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm… Đảm nhiệm cương vị mới chưa lâu, nhưng phần lớn thời gian Đăng thường đi công tác ở cơ sở, vừa kiểm tra thực tế quy trình, hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, vừa tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và đời sống của bà con nhân dân.
Làm công tác quản lý khi tuổi đời còn trẻ nên Đăng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Không ít lần phải ăn vội gói xôi hay ổ bánh mì cho qua bữa, anh một mình ở lại cơ quan để nghiên cứu tài liệu, tìm những phương án tối ưu nhất cho việc điều hành đơn vị và chuyển tải đồng vốn đến đúng đối tượng một cách kịp thời. Với tâm huyết giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế gia đình, Đăng chủ động đề xuất với cấp trên cho áp dụng nhiều phương pháp mới, mang lại hiệu quả cao như: Phối hợp với các hội, đoàn thể tăng cường công tác kiểm tra việc nhận ủy thác vốn vay, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng; xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình kiểm tra, hệ thống báo cáo sau kiểm tra một cách khoa học từ Tổ tiết kiệm và vay vốn đến hội, đoàn thể, từ hội, đoàn thể đến ngân hàng; tổ chức giao dịch lưu động tại xã một cách khoa học, chặt chẽ nhằm phục vụ vốn kịp thời cho hộ nghèo.
Bài và ảnh Lưu Quang Bình
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cùng giúp chị em vượt khó, thoát nghèo
- » Người cán bộ hội làm tốt công tác ủy thác cho vay
- » Chị Tổ trưởng nhiệt tình với công việc
- » Hết mình vì hội viên
- » Khơi dậy niềm tin thoát nghèo cho người dân
- » "Hết lòng vì công việc"
- » Tấm gương Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn
- » Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) gắn bó với công tác tín dụng ưu đãi