Để nông dân nghèo không mặc cảm là dân ven đô

16/08/2013
(VBSP News) Khác với vất vả, gian khổ của bà con miền núi, vùng lũ, những hộ nghèo ven đô huyện Đông Anh (TP. Hà Nội) có cái khó riêng của mình. NHCSXH phải làm hết sức mình để người nghèo ở đây luôn cảm thấy ấm lòng vì mình là dân ven đô. Thay vì nói về bản thân, chị Nguyễn Thị Sính - Giám đốc NHCSXH huyện Đông Anh chia sẻ đầy tâm huyết về công việc của mình.
Chị Sính (ngoài cùng bên phải) trong một lần kiểm tra vốn vay tại cơ sở

Chị Sính (ngoài cùng bên phải) trong một lần kiểm tra vốn vay tại cơ sở

Một trong những mục tiêu hàng đầu của huyện Đông Anh là xây dựng thành huyện lớn mạnh, văn minh và hiện đại. Để đạt được mục tiêu trên, địa phương luôn chú trọng đến công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm; đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy không nặng nề như bà con vùng sâu, vùng xa, nhưng khoảng cách giàu - nghèo tại đây khá lớn. Trước thực tế đó, NHCSXH huyện Đông Anh đã có những linh hoạt để vốn ngân hàng đến tay bà con hiệu quả nhất. NHCSXH huyện Đông Anh hiện nay đang triển khai 5 chương trình cho vay, tổng dư nợ tín dụng đến nay là trên 180,7 tỷ đồng với 13.613 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Với mạng lưới gồm 24 Điểm giao dịch đặt tại UBND tất cả các xã, thị trấn cùng gần 500 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các cụm dân cư trong toàn huyện.

“Nguồn vốn của chúng tôi tập trung cho vay 5 chương trình là: Hộ nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh, sinh viên, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở. Lĩnh vực nào cũng phải đảm bảo 100% các khoản vay được kiểm tra kỹ trước khi giải ngân thông qua việc kết hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể. Ngoài ra, chúng tôi còn tư vấn cho bà con những mô hình sản xuất mới để đầu tư vốn mang lại lợi nhuận cao. Thắng lợi của chúng tôi là bà con sử dụng đồng vốn hiệu quả, trả nợ đúng hạn”, chị Sính tự hào cho biết. Là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp, số người thiếu việc làm ngày một tăng, các làng nghề truyền thống phát triển, do đó, nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống nông hộ nhất là hộ nghèo trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp ngày một cao. Do vậy, vai trò của NHCSXH cũng phải hết sức linh hoạt, bám sát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện để triển khai phù hợp.

Gắn bó với NHCSXH ngay từ những ngày đầu thành lập, chị Sính đã nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan. Chị đã có nhiều cách làm hay để công tác bảo đảm an sinh xã hội phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa. Người nghèo và các đối tượng chính sách cảm thấy mình được quan tâm, chăm lo, đồng thời lôi cuốn, khích lệ các đơn vị, đoàn thể cùng tham gia trở thành một tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Với đồng vốn kịp thời của NHCSXH, sự tận tâm, nhiệt tình của người cán bộ ngân hàng mà nhiều nông dân sau thu hồi đất đã tìm được các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả cao. Góp phần giúp quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh đối với huyện ven đô như Đông Anh, song vẫn bảo đảm an sinh xã hội. Đời sống dân sinh của một bộ phận nông dân sau thoát nghèo đã thực sự bền vững và thích ứng được với những thay đổi của quá trình đô thị hóa.

Bây giờ, ở huyện Đông Anh, từ các xã thuần nông đến các xã làng nghề… ở đâu có hộ nghèo và các đối tượng chính sách là ở đó có dấu ấn của người cán bộ ngân hàng mẫn cán. Chị Sính tâm sự: “Cán bộ của đơn vị nhiều người ở xa nơi làm việc, do vậy, ngay cả việc sắp xếp, phân công, công việc cũng luôn cố gắng đúng người đúng việc để cán bộ, nhân viên phát huy được năng lực. Đối với các đơn vị hội, đoàn thể phối hợp, phải chân thành, hợp tác để cùng nhau làm tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Qua 10 năm hoạt động, NHCSXH không chỉ là chỗ dựa tin cậy cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, mà còn là người bạn của hội, đoàn thể trên địa bàn như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Có được sự tin tưởng đó, là sự cố gắng rất lớn của chị Sính trong vai trò vừa là người đứng đầu vừa là người chịu trách nhiệm cầu nối với các đơn vị cùng tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh làng nghề của xã, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hà, Nguyễn Thị Xuân cho hay: “Xã Liên Hà có 8 thôn thì cả 8 đều là làng nghề, thu hút 52 công ty với 1.157 hộ tham gia. Không chỉ thu hút lao động trong xã, làng nghề Liên Hà còn thu hút tới gần 3 nghìn lao động ở các địa phương khác đến làm thuê. Trong thời gian qua, cũng như nhiều làng nghề khác trên địa bàn thành phố, làng nghề Liên Hà gặp khó khăn về vốn. Được chính quyền và NHCSXH quan tâm, dư nợ cho vay giải quyết việc làm tại xã đạt 4 tỷ đồng đã giúp các hộ vơi đi khó khăn. Chị bảo: “Cho cần câu đã khó, cách cho còn khó hơn”. Sự chân thành, nhiệt tình của cán bộ NHCSXH huyện trong đó đứng đầu là chị Sính khiến bà con rất phấn khởi, không có tự ti, mặc cảm.

Bà Ngô Thị Diệp, thôn Thù Lỗ, cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hầu hết các xưởng đều hoạt động cầm chừng; đồng vốn vay ưu đãi của NHCSXH, thực sự đã chia sẻ gánh nặng rất lớn với gia đình. Nhờ đồng vốn giải quyết việc làm mà gia đình tôi đã cầm cự được xưởng sản xuất trong cả năm 2012 vừa qua. Không chỉ có gia đình tôi, mà ở đây, hộ nào sản xuất khó khăn, có những tai nạn, rủi ro đều được cán bộ ngân hàng đến vừa là kiểm tra, vừa là thăm hỏi để có cách trợ giúp kịp thời”.

Chính vì vậy, mặc dù Đông Anh là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp, số người thiếu việc làm ngày một tăng, các làng nghề truyền thống phát triển khó khăn nhưng nhờ sự trợ giúp của NHCSXH huyện mà an sinh xã hội của huyện vẫn được đảm bảo.

Bài và ảnh Bạch Thanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác