Nữ cán bộ tận tụy với công việc
Sau khi tốt nghiệp trường nghiệp vụ ngân hàng năm 1978, chị Loan về làm việc tại NHNo&PTNT huyện Sông Lô. Là cán bộ tín dụng, chị luôn vượt qua khó khăn trở ngại, chịu khó học hỏi nghiên cứu để không ngừng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Năm 1993, chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Do yêu cầu công việc, chị được chuyển công tác nhiều lần từ NHNo&PTNT sang Ngân hàng Phục vụ người nghèo và sau này là NHCSXH. Trong mọi lĩnh vực và vị trí công tác, chị luôn phát huy năng lực cá nhân, đoàn kết với tập thể, phát huy tính sáng tạo để áp dụng mọi công việc, nên được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá là người cán bộ có năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2003, khi NHCSXH được tách ra từ NHNo&PTNT, chị được bổ nhiệm làm Giám đốc NHCSXH huyện Hạ Hòa.
Chị Loan tâm sự:“Những ngày đầu mới thành lập, cả tập thể cán bộ, nhân viên ngân hàng luôn cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực học hỏi tìm cách để phát triển, nhưng phải bám sát với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Là huyện đông xã nhất trong toàn tỉnh, đặc biệt, trong tổng số 33 xã thì Hạ Hòa có 31 xã là vùng khó khăn, 100% vùng khó khăn này đều có nhu cầu vay. Do nguồn vốn hạn hẹp nhưng ngân hàng cấp trên và NHCSXH huyện chỉ đạo triển khai cho vay tới tất cả các đối tượng chính sách, đặc biệt là ở 31 xã vùng khó khăn. Trước kia do chưa có cầu Hạ Hòa, với 10 xã bên kia sông, do đặc điểm địa giới hành chính, ngân hàng bố trí ngày trực ở các xã nhằm tiết kiệm cho người dân về thời gian đi lại, chi phí nhưng cũng lại khó khăn cho cán bộ tín dụng, vì có những khi mùa nước lên thì cán bộ tín dụng khó đến với cơ sở. Nếu chỉ đi trực thì không có gì, nhưng nếu đi giải ngân và thu lãi thì dùng xe ô tô đưa tổ công tác lưu động đi nhưng phải đảm bảo an toàn về cả người và tài sản, máy móc… Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa NHCSXH huyện và các tổ chức nhận ủy thác, ở cả 33 xã, thị trấn, đặc biệt là 31 xã vùng khó khăn đều rất tích cực triển khai các chương trình để đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người dân sớm nhất, nhanh nhất. Đạt được kết quả như vậy, phải kể đến công sức không nhỏ của các cấp chính quyền, các tổ chức hội ở các xã, thị trấn đã tạo điều kiện cùng chung tay góp sức với ngân hàng đưa được nguồn vốn ưu đãi của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đến với người dân, đặc biệt là vai trò của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, chứ một mình ngân hàng không làm được. Sau gần 10 năm, đến nay ngân hàng đã thực hiện có hiệu quả 8 chương trình tín dụng ưu đãi cho hơn 39 nghìn lượt hộ vay với tổng dư nợ hơn 459 tỷ đồng, giúp cho hàng nghìn hộ trên địa bàn huyện thoát nghèo. Trong đó có nhiều chương trình đạt hiệu quả cao như: Hộ nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên… Hàng năm, tập thể NHCSXH huyện luôn tập trung cố gắng thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối mà Đảng, Chính phủ và ngân hàng cấp trên đã xây dựng, quan trọng nhất là theo sự chỉ đạo của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã đề ra”.
Trong công tác điều hành, Giám đốc Dương Thị Loan luôn bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ tới toàn thể cán bộ, công nhân viên trong đơn vị. Với sự am hiểu chuyên môn và năng động, chị đã tổ chức thực hiện tốt các quy trình nghiệp vụ, nghiên cứu, cải tiến, đổi mới phong cách và lề lối làm việc trong tất cả các bộ phận; giảm bớt các thủ tục giấy tờ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong công việc, phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện. Với phương châm “làm hết việc không làm hết ngày”, những ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật, chị còn tranh thủ đi kiểm tra các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các khu dân cư để động viên, hướng dẫn anh chị em khắc phục khó khăn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn vay ưu đãi của hộ nghèo, gia đình chính sách tại địa phương. Qua thực tế công việc và những vướng mắc trong quá trình giao dịch, chị đã tổ chức tập huấn cho các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn về thủ tục vay cũng như các đối tượng được vay vốn, để các chương trình vay vốn đáp ứng đúng đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ giao dịch. Tuy rất bận với công việc quản lý, song chị vẫn thường xuyên quan tâm tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng cán bộ, nhân viên, từ đó có kế hoạch chỉ đạo các bộ phận, các tổ chuyên môn gần gũi giúp đỡ, động viên nhau vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, chị cũng đã tham mưu cho Ban giám đốc NHCSXH tỉnh nghiên cứu xây dựng quy chế, định mức khoán, cơ chế quản lý, công tác thi đua khen thưởng đối với cán bộ ngân hàng, cũng như cán bộ tại các Điểm giao dịch ở xã để tạo nên các phong trào thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Là Giám đốc NHCSXH huyện, chị Dương Thị Loan luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, góp phần lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những đóng góp trên, nhiều năm liền chị Dương Thị Loan đã đạt Danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 lần được tặng Danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp ngành, nhiều năm liền chị được UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen.
Bài và ảnh Ngọc Lam
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người Tổ trưởng “có một không hai”
- » Người Tổ trưởng nơi rẻo cao tận tụy xóa nghèo
- » Hỗ trợ cơ sở, dễ thành công
- » "Việc gì có lợi cho dân thì làm"
- » Trần Nguyễn Khoa Đăng - Giám đốc trẻ thực sự gắn bó với đồng bào nghèo
- » Cùng giúp chị em vượt khó, thoát nghèo
- » Người cán bộ hội làm tốt công tác ủy thác cho vay
- » Chị Tổ trưởng nhiệt tình với công việc
- » Hết mình vì hội viên
- » Khơi dậy niềm tin thoát nghèo cho người dân