Niềm vui khi được phục vụ người nghèo

16/08/2013
(VBSP News) Là cán bộ trẻ, có 9 năm công tác và gắn bó với NHCSXH thị xã Tam Điệp, chị Đinh Thị Bích luôn nỗ lực, cố gắng phấn đấu trong công việc, góp phần đưa đồng vốn chính sách đến tận các hộ nghèo.
Chị Đinh Thị Bích (đứng) đang trao đổi nghiệp vụ cùng cán bộ

Chị Đinh Thị Bích (đứng) đang trao đổi nghiệp vụ cùng cán bộ

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, chị Bích được tuyển dụng vào công tác tại NHCSXH thị xã Tam Điệp. Thời gian đầu về công tác, chị không khỏi bỡ ngỡ và cũng gặp không ít khó khăn do ngân hàng mới thành lập được hơn một năm, cán bộ ít, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trụ sở phải đi thuê, mượn nhà dân, trang thiết bị hầu như không có. Nhưng với phương châm “làm hết việc không làm hết ngày”, chị luôn tận tụy trong công tác, chủ động tìm hiểu nắm bắt nhu cầu sử dụng vốn của hộ nghèo. Chị Bích tâm sự: “Có thời điểm giải ngân vốn ưu đãi đúng ngày bão về, mất điện, máy móc cũ kỹ nên anh chị em trong Phòng giao dịch phải làm việc đến 12 giờ đêm để có hồ sơ kịp giải ngân vào ngày hôm sau. Công việc hầu như lúc nào cũng nhiều, rất ít khi cán bộ được nghỉ vào ngày nghỉ, ngày lễ. Với những khó khăn như thế, nhưng chị và các cán bộ NHCSXH thị xã Tam Điệp vẫn bám sát công việc và đều rất vui khi mang được nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách giúp cho họ có cuộc sống khấm khá hơn.

Sinh ra ở miền quê nghèo khó, chị luôn thấu hiểu được nỗi vất vả của người nông dân khi phải lo toan cơm áo gạo tiền hàng ngày, lo cho những đứa con sau này không biết có được ngồi trên giảng đường đại học… Vì vậy, cũng có thời điểm một số Ngân hàng thương mại mời chị sang làm việc với vị trí, điều kiện và mức lương hấp dẫn hơn nhưng chị từ chối. Bởi ước mơ bình dị của chị từ khi ngồi trên ghế nhà trường là sau này sẽ chọn một nghề nào đó giúp được cho người nông dân bớt đi những vất vả lo toan, bớt đi những giọt mồ hôi, hay giúp họ tin vào con em họ sẽ được ngồi trên những giảng đường đại học… thoát khỏi nghèo đói, làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ tương lai.

Vượt qua nhiều khó khăn và cố gắng nỗ lực không ngừng trong công việc, chị Bích được NHCSXH tỉnh lần lượt giao cho các trọng trách như Tổ trưởng Tổ kế toán ngân quỹ, Phó giám đốc kiêm Tổ trưởng Tổ Kế hoạch - Nghiệp vụ, Giám đốc NHCSXH thị xã Tam Điệp và gần đây được Tổng giám đốc NHCSXH bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng Kế toán NHCSXH tỉnh Ninh Bình. Dù ở vị trí công tác nào, chị luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, có trách nhiệm, tận tụy trong công việc, có những cách làm sáng tạo và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên cương vị là người lãnh đạo, chị luôn luôn chủ động tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH thị xã Tam Điệp xây dựng các chương trình, kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện trong quá trình triển khai, kiểm tra kết quả công tác cho vay giảm nghèo trên địa bàn. Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, định hướng, kế hoạch của NHCSXH cấp trên giao cho, chị đã đề ra các chương trình, nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch theo từng tháng, quý cho từng bộ phận, từng cán bộ. Bên cạnh đó, chị đã đề ra các biện pháp thực hiện nhiệm vụ kế hoạch sao cho phù hợp, thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng nhau tiến bộ. Trong chỉ đạo, chị Bích luôn xác định yếu tố con người là trọng tâm, quyết định mọi sự thành bại trong chỉ đạo điều hành hoạt động. Lấy đoàn kết nội bộ và tinh thần hợp tác là phương châm hành động để mọi cán bộ Phòng giao dịch phấn đấu và tương trợ lẫn nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chị thường xuyên đôn đốc nhắc nhở, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cán bộ. Do vậy công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thị xã Tam Điệp được thực hiện một cách kịp thời, chất lượng, hiệu quả, góp phần cùng các cấp các ngành thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Sau 10 năm đi vào hoạt động, NHCSXH thị xã Tam Điệp đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ gia đình là hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo chi phí cho con cái ăn học… Từ việc sử dụng nguồn vốn ưu đãi đúng mục đích, đã giúp 2.443 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 11.138 lao động và 5.956 hộ được cải thiện đời sống.

Theo chị, để có được thành công bước đầu như ngày hôm nay, yếu tố đầu tiên là phải có tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết với nghề, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp và thực sự sâu sát với cơ sở, nắm rõ được tình hình của từng Tổ tiết kiệm và vay vốn, từng hộ gia đình. Khi xuống cơ sở, đến các hộ nghèo, chị luôn xác định mình là những người con, người cháu gần gũi với người dân, hướng dẫn giúp đỡ để nhân dân được vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích. Gần mười năm công tác, dù ở vị trí nào, chị vẫn thường xuyên nắm tình hình tại cơ sở, phát hiện sai sót và chấn chỉnh kịp thời nên chất lượng tín dụng được nâng cao, đồng vốn chính sách đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích. Do đó, trong nhiều năm qua, thị xã Tam Điệp luôn có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,05%, là đơn vị có nợ quá hạn thấp nhất trong toàn tỉnh.

Bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của bản thân thì người cán bộ NHCSXH rất cần sự đồng tình, ủng hộ và sự vào cuộc giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay. Không chỉ hỗ trợ từ khâu bình xét đối tượng, hướng dẫn làm hồ sơ… mà còn hỗ trợ việc đôn đốc thu hồi nợ, nhất là những trường hợp nợ khó đòi.

Dù ở cương vị nào, chị Bích luôn là tấm gương tiêu biểu, năng động sáng tạo, sống, làm việc hết mình vì người nghèo và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa nghèo của tỉnh Ninh Bình.

Bài và ảnh Hồng Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác