Người cán bộ tín dụng tâm huyết

10/09/2013
(VBSP News) Sau khi tốt nghiệp khoa Kinh tế nông nghiệp - Đại học Nông nghiệp III (Thái Nguyên), năm 2003, anh Đỗ Ngọc Long được tuyển dụng vào công tác tại NHCSXH tỉnh Lào Cai. Với sức trẻ và sự nhiệt tình, anh được Ban giám đốc điều động tới nhận nhiệm vụ ở huyện xa xôi và khó khăn nhất, đó là huyện Si Ma Cai - địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh.
Đỗ Ngọc Long hướng dẫn các hộ dân vay vốn làm thủ tục

Đỗ Ngọc Long hướng dẫn các hộ dân vay vốn làm thủ tục

Lúc đầu còn bỡ ngỡ, nhưng được sự dìu dắt của các đồng nghiệp, cộng với sự năng động, ham học hỏi và tìm tòi của bản thân, nên trong thời gian ngắn Đỗ Ngọc Long đã tiếp cận được những kiến thức tín dụng trong ngành Ngân hàng, nhanh chóng tạo được uy tín với lãnh đạo và anh em đồng nghiệp. Với một huyện có địa hình chủ yếu là dốc núi đi lại khó khăn, phức tạp như Si Ma Cai, việc thông tin, tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến từng hộ gia đình là hết sức vất vả, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, những khó khăn, vất vả đó anh Long đã vượt qua.

Với đặc thù của công việc, Tổ Kế hoạch - Nghiệp vụ NHCSXH huyện chỉ được biên chế có 4 cán bộ nên rất khó khăn cho việc trực tiếp đi cơ sở thẩm tra và giải ngân, nhưng anh Long đã sắp xếp thời gian, lên kế hoạch khoa học cho từng tuần, từng tháng phù hợp với nhiệm vụ. Trung bình một tháng ngoài những ngày đi giao dịch lưu động xã, anh Long dành khoảng 6 - 8 ngày xuống cơ sở kết hợp việc kiểm tra, giám sát vốn vay, tuyên truyền để bà con vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, đồng thời cùng với hội cấp xã thường xuyên củng cố kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhất là các tổ hoạt động yếu kém, nhằm kịp thời giúp bà con tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Riêng anh được phân công phụ trách 5 xã, thị trấn là: Si Ma Cai, Sín Chéng, Bản Mế… Hàng tháng, các chương trình cho vay đều đạt kế hoạch, dư nợ cao, nợ xấu, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất ít.

Sau hơn 3 năm lăn lộn với vùng cao Si Ma Cai, năm 2009, anh Đỗ Ngọc Long được điều động về nhận nhiệm vụ tại huyện Bảo Yên. Đây là địa bàn vùng thấp, đi lại có thuận lợi hơn, nhưng số hộ dân thuộc đối tượng vay vốn đông gấp nhiều lần, đời sống phần lớn phụ thuộc vào nông nghiệp, buôn bán nhỏ, dịch vụ… nhu cầu vay vốn của bà con nhiều nên số dư nợ rất lớn (trên 240 tỷ đồng). Trong khi đó, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa thật vững chắc, nên thời gian đầu nhận công tác, anh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm của một cán bộ tín dụng, anh sắp xếp thời gian, thường xuyên xuống cơ sở, phối hợp với các hội, đoàn thể và chính quyền địa phương, Tổ tiết kiệm và vay vốn, bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó có hướng đề xuất với lãnh đạo tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng vay vốn theo đúng quy định, đúng đối tượng, thực hiện tốt các chỉ tiêu tín dụng trên địa bàn.

Trong quá trình theo dõi, quản lý nguồn vốn cho vay, anh còn chủ động đề xuất với cán bộ của các hội, đoàn thể cấp xã hướng dẫn, góp ý kiến cho các hộ gia đình về cách làm ăn, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả nhất, hạn chế tối đa các rủi ro. Anh thường xuyên thông tin cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của ngành. Giúp cho nhiều hộ gia đình được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, từng bước xoá nghèo bền vững. Ý thức trả nợ của người dân từ đó cũng có sự chuyển biến.

Khi được hỏi về những khó khăn, thuận lợi và mong muốn của anh trong công việc hiện nay, anh cười khiêm tốn: Khó khăn nhất hiện nay là chưa hiểu hết được phong tục, tập quán của đồng bào địa phương. Từ bất đồng ngôn ngữ, việc tiếp cận để tìm hiểu những nhu cầu của đồng bào cũng hạn chế. Mặt khác, dân cư không tập trung, đường giao thông đi lại khó khăn, bản thân lại phải phụ trách nhiều xã trên một địa bàn rộng, phức tạp nên việc đi kiểm tra, giám sát bị hạn chế. Hơn nữa, trình độ nhận thức của đồng bào chưa cao nên khi tiếp cận với các mô hình, dự án rất khó khăn, họ chưa dám mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất… Ý định của anh trong thời gian tới sẽ hướng dẫn cho một số hộ lập dự án về phát triển kinh tế vay vốn để làm giàu, hướng vào cho vay đầu tư mô hình trang trại ở một số xã, như: Nghĩa Đô, Việt Tiến, Lương Sơn, Bảo Hà… vì những xã này có điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi và trồng trọt theo hướng hàng hoá.

Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Lào Cai cho biết: Hơn 10 năm gắn bó với nghề, anh Đỗ Ngọc Long luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao. Anh là lớp cán bộ trẻ năng động và đầy nhiệt huyết của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay.

Bài và ảnh Lục Văn Toán

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác