Chuyện những phụ nữ làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi

12/12/2013
(VBSP News) Họ không nổi tiếng như những phụ nữ làm nghiên cứu khoa học, doanh nhân hay quản lý. Họ chỉ đơn thuần là những người phụ nữ chất phác giữa đời thường. Câu chuyện về những người phụ nữ ở tỉnh Khánh Hòa biết vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi như tô điểm thêm nghị lực phi thường của các chị.
Chị Cúc bên những gốc cà phê trĩu quả

Chị Cúc bên những gốc cà phê trĩu quả

Đường đến thôn của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) không còn khó khăn như xưa. Ven bên đường là những vạt rừng keo, tràm, cà phê xanh tốt, trù phú. Phóng tầm mắt về phía cánh rừng trù phú, chị Bo Bo Thị Cúc, dân tộc Raglai, thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, nói: “Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp đồng bào nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế rừng, giúp đồng bào nơi đây ăn no, mặc ấm”. Chị Cúc là một trong số hàng nghìn phụ nữ biết “tận dụng” nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để thoát nghèo. Chuyện là gia đình chị Cúc trước đây vốn rất nghèo lại đông con. Chị Cúc phải bỏ học giữa chừng để ở nhà giúp cha mẹ phát nương, làm rẫy. Năm 2007, chị Cúc lập gia đình. Tài sản của hai vợ chồng chỉ có 500m2 đất sản xuất. Đất ít lại không biết áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; cùng với tâm lý ỷ lại, trông chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên gia đình chị cứ luẩn quẩn trong đói nghèo. Năm 2008, được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH thông qua Hội Phụ nữ xã, đồng thời hội cũng giúp chị học kỹ thuật chăn nuôi bò, trồng trọt, qua đó đã tạo điều kiện cho gia đình chị trồng 8 sào keo; 5 sào mía tím; 2 sào cà phê và nuôi 3 con bò. Chỉ sau vài năm, gia đình chị đã có thu nhập gần 60 triệu đồng/năm. Từ hộ nghèo, gia đình chị đã vươn lên khá giả, có tiền nuôi con ăn học và xây được ngôi nhà khang trang với kinh phí 100 triệu đồng. Trong ngôi nhà mới những ngày cuối năm, chị Cúc tâm sự: “Nguồn vốn vay ưu đãi làm thay đổi cuộc sống của cả gia đình. Hy vọng, nguồn vốn ưu đãi tiếp tục giúp được nhiều chị em khác như gia đình tôi”.

Ngay ở giữa nơi “phồn hoa phố thị” như TP. Nha Trang cũng có không ít người phụ nữ không chịu khuất phục trước “số phận” nghèo khổ. Chị Nguyễn Thị Gia, thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang là một trong những người phụ nữ như thế. Năm 1990, gia đình chị rời quê Phú Thọ vào Khánh Hòa sinh sống. Chị Gia nhớ lại: “Bước chân vào Khánh Hòa, tài sản duy nhất của gia đình là sức khỏe, một vài dụng cụ sinh hoạt thường ngày. Hai vợ chồng bắt đầu lập nghiệp ở Khánh Hòa bằng việc đi làm thuê để nuôi sống 5 nhân khẩu; trong đó một người con của chị bị khuyết tật, đau ốm triền miên. Với quan niệm “tấc đất, tấc vàng”, hai vợ chồng ngày đi làm thuê tối về cuốc đất khai hoang lấy đất trồng trọt, chăn nuôi. Một tấc đất được khai hoang chị cũng tận dụng trồng trọt, chăn nuôi theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Bên cạnh đó, chị thường xuyên đọc sách, báo… tìm hiểu kiến thức để “trồng cây gì, nuôi con gì” cho hiệu quả. Bẵng đi một thời gian, vợ chồng chị đã có một diện tích đất sản xuất khá lớn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng đó mới chỉ là “điều kiện đủ” để phát triển kinh tế. Còn “điều kiện cần” là nguồn vốn thì vẫn khiến vợ chồng “đau đầu” toan tính. Đúng thời điểm này, chị Gia tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Với 8 triệu đồng được vay, vợ chồng chị đầu tư vào chăn nuôi lợn, gà. Thời gian đầu, việc chăn nuôi đối với chị “mười thất bại mà không có lấy một lần thành công”. Chị tự an ủi mình rằng: Chắc cuộc sống muốn thử thêm ý chí kiên trì, nghị lực vươn lên của bản thân. Vợ chồng chị tiếp tục học hỏi KHKT; tham quan mô hình sản xuất hiệu quả… Từ đó, xây dựng mô hình kinh tế “vườn, ao, chuồng” mang lại thu nhập ổn định từ 100 đến 150 triệu đồng/năm. Không những làm giàu cho mình, chị còn tạo việc làm cho 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Nhung - Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, cấp hội ở nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng mô hình tổ, nhóm để người có điều kiện tốt hơn hỗ trợ người còn khó khăn về vốn, kinh nghiệm sản xuất. Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp hơn 3.500 hộ gia đình phụ nữ ở Khánh Hoà vươn lên làm kinh tế giỏi, thu nhập từ 40 đến 200 triệu đồng/năm… Ngoài giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, nguồn vốn vay ưu đãi còn khơi dậy truyền thống tương thân tương ái, đoàn kết tương trợ nhau để cùng vượt khó vươn lên”.

Bài và ảnh Văn Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác