“Chị Tùng tín dụng”
Chuyện từ nơi thôn dã
Mang những hoài nghi ban đầu, chúng tôi tới bản Cò Lá, xã Bình Lư, huyện Tam Đường để kiểm chứng thực hư những lời vị Giám đốc nói. Cò Lá là bản có đông người dân tộc Giáy sinh sống. Bao đời nay bà con vốn chỉ quen cấy với cày. Hiềm một nỗi cái khó bó cái khôn, những giống mới, cây con mới, những tiến bộ khoa học mới dù bà con có biết cũng chẳng mấy người đủ điều kiện áp dụng vào thực tế bởi yếu tố tiên quyết là vốn bao giờ cũng khó. Những năm gần đây nhờ chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước bà con được vay vốn từ NHCSXH. Đến nay, trong bản có tới 2 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ lên tới hơn 700 triệu đồng. Có thể nói, cái “cần câu” mà NHCSXH cung cấp cho bà con đã tạo điều kiện cho nhiều cuộc đời, nhiều mái nhà bước sang trang mới, với cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc hơn. Trong thành quả đó có sự tham gia tích cực của cán bộ tín dụng Trịnh Thanh Tùng - phụ trách địa bàn 3 đơn vị hành chính gồm thị trấn Tam Đường, xã Bình Lư và xã Sơn Bình.
Bên chén chè xanh, ông Mùng Văn Hưng ở bản Cò Lá vui vẻ kể về chuyện mình sử dụng đồng vốn thế nào và tình cảm của người dân trong bản dành cho “chị Tùng tín dụng”. “Không phải mình tôi đâu, cả bản này hầu như ai cũng quý Tùng! Chị ấy vừa tình cảm vừa dễ gần. Không chỉ giúp chúng tôi đồng vốn, chị còn tỉ mỉ tới từng nhà, tìm hiểu gia cảnh, hướng dẫn chúng tôi sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả cao nhất. Khi chưa gặp Tùng, chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi tôi đã phải bán hết đàn trâu hơn chục con, vét cho bằng sạch những hạt thóc cuối cùng mà con tôi vẫn ngấp nghé nguy cơ phải nghỉ học. May mà gặp chị ấy…”. Nay thì 2 trong số 3 người con của ông Hưng đã học xong, ra trường có việc làm. Cái rễ đắng của sự học đã cho gia đình ông những trái ngọt đầu mùa và chị Tùng tín dụng chính là người có công chăm bón, vun trồng.
Trong buổi nói chuyện đầu Xuân năm mới, chúng tôi còn gặp nhiều hộ dân, họ đến nhà ông Hưng vì biết tin “chị Tùng” xuống thăm. Với sự chất phác vốn có của bà con nông dân tôi không thấy họ dùng nhiều mỹ từ nói về cán bộ tín dụng Trịnh Thanh Tùng, nhưng qua bắt tay, ánh mắt tôi chắc rằng với họ, chị Tùng đã là một thành viên thân thiết của cộng đồng này.
Chúng tôi tới thăm gia đình ông Lò Văn Khớm ở bản Nậm Tường, thị trấn Tam Đường khi ông đang thu hoạch vụ ngô đầu mùa. Ông Khớm hiện đang là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản. Qua các “kênh” của NHCSXH huyện Tam Đường đã có 1,2 tỷ đồng được bà con vay và sử dụng đúng mục đích nâng số lượng hộ khá giả trong bản lên đáng kể. Ông Khớm nhận xét: “Chị Tùng vừa là người hướng dẫn chúng tôi vay vốn, lại vừa hướng dẫn chúng tôi sử dụng vốn. Bởi sự tận tâm, tận tình ấy mà không hộ nào trong bản sử dụng đồng vốn không hiệu quả. Không chỉ vậy, chị Tùng còn là một người rất thấu hiểu tâm tư bà con, biết cách vận động thấu tình đạt lý nên trong tổ chưa có hộ nào nợ quá hạn, lãi được trả hằng tháng đều đặn”.
Đằng sau của những danh hiệu
Sinh năm 1982, từ nhỏ tới khi vào học chuyên nghiệp chưa lúc nào Trịnh Thanh Tùng nghĩ mình sẽ làm tín dụng. Học chuyên ngành tin học của Đại học Công nghiệp, khi ra trường Tùng nghĩ tương lai mình sẽ gắn liền với phần mềm, phần cứng. Có lẽ duyên tiền định chị được nhận vào làm ở NHCSXH huyện Than Uyên (năm 2005) rồi sau đó chuyển về làm ở huyện Tam Đường (năm 2011). Từ ngày đầu bỡ ngỡ, chập chững vào nghề, sau những đêm tự mày mò học hỏi, sau cả những giọt mồ hôi và hơn cả là nước mắt, nay Trịnh Thanh Tùng đã trở thành một trong số những tín dụng viên tiêu biểu của ngành. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được trong con người ấy vẫn có những ưu tư.
“Làm tín dụng chính sách không giống như tín dụng thương mại. Lợi nhuận của khách hàng mà cụ thể là nhân dân mới là cái chúng tôi hướng tới. Quả thật ngành nghề đã cho tôi nhiều thứ nhưng cái mà tôi cho là quý nhất, đáng trân trọng nhất ấy là tình cảm của nhân dân và sự trải nghiệm, gần gũi đồng bào”. Để có những trải nghiệm, tình cảm đó Tùng đã phải đổi bằng không biết bao lần ngã xe, những giọt mồ hôi và cả những lần rơm rớm nước mắt khi nghe người nghèo tâm sự. “Vẫn biết nhiệm vụ là thu nợ nhưng cũng có lúc tôi không cầm lòng được trước những ngôi nhà trống hoác, những đứa trẻ lấm lem đất cát và cái bếp lạnh tanh như chẳng có hơi người. Thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức đôi khi có khách hàng đã vay được tiền của ngân hàng mà làm ăn chẳng có lãi nên việc trả nợ ngân hàng rất khó. Nghe họ kể đến bữa cơm, đến cái thời khắc đứa con lên cơn sốt mà không có tiền mua thuốc khiến tôi chẳng cầm được nước mắt… Rồi cũng có người vì túng quẫn quá mà sinh ra cái thói… lý sự cùn. “Tuy rằng vẫn phải vận động, thuyết phục, vẫn phải có cái lý nhưng cái tình cũng rất quan trọng. Người ta bảo: “nói phải củ cải cũng nghe”, nhưng tôi thấy quan trọng nhất là phải hiểu tâm lý bà con, hiểu được hoàn cảnh bà con và tìm cách giúp đỡ họ. Họ thoát nghèo thì mình cũng hoàn thành công việc”. Suy nghĩ ấy trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động nên bây giờ ở đơn vị mọi người còn quen gọi Tùng là “cán bộ tuyên giáo”.
Phụ trách 3 địa bàn đông dân cư, dân trí phát triển cao nhất của huyện Tam Đường vừa là cơ hội cũng là thử thách lớn của Tùng. Cơ hội ấy là có điều kiện phát triển khách hàng nhưng thách thức cũng chính từ điều ấy. Chẳng phải nói xa, trong ngành cũng đã có người bị phê bình vì có nhiều nợ quá hạn. Nhưng ở địa bàn Tùng phụ trách điều này hầu như không có. Giải thích về điều này Tùng vẫn dùng câu nói cũ: “Hiểu tâm lý bà con là điều quan trọng nhất”. Bởi hiểu tâm lý, biết tập quán, phong tục tập quán của bà con nên việc vận động, hướng dẫn bà con sử dụng “cái cần câu” hợp lý với Tùng rất đơn giản…
Nhìn lên những danh hiệu mà Tùng đạt được, tôi trầm trồ nhưng sau lời khen của mình, tôi thấy trán tùng hơi nheo lại: “Cái em mong chờ nhất không phải chỉ là những thành tích này mà là nụ cười của bà con khi mình đến thu lãi, gốc. Với em đó là sự vinh danh cao quý nhất!”.
Bài và ảnh Dư Khánh Kiên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Sự nhiệt tâm của người cán bộ NHCSXH vùng cao Bắc Trà My
- » Nữ Giám đốc tận tâm với người nghèo
- » Giám đốc... bản
- » Chị chỉ có một mong ước giản dị...
- » “Cầu nối” giúp HSSV nghèo được vay vốn
- » Người phụ nữ “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”
- » Hết lòng vì hội viên nghèo
- » “Anh Hân Tổ trưởng” ở A Đớt
- » Chuyện những phụ nữ làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » “Cầu nối” vốn chính sách của phụ nữ Đạo Khê