Triệu phú tuổi đôi mươi
Châu Văn Chung sinh ra trong một gia đình bố mẹ là người dân tộc Giáy ở xã biên giới Quang Kim, huyện Bát Xát. Toàn xã có 1.266 hộ, gần 5.400 nhân khẩu, với 3 dân tộc anh em là Giáy (chiếm 70%), Kinh (25%), Dao (5%) cùng sinh sống tại 18 thôn, bản. Sản xuất thuần nông, nhà có tới 8 người con, bố mẹ Chung phải chạy ăn từng bữa. Năm 2008, tốt nghiệp lớp 12, Chung phải ngậm ngùi “xếp bút nghiên”, ở nhà giúp bố mẹ lên rừng, xuống rẫy cày cuốc để có cái ăn. Hết mùa vụ, cũng như bao thanh niên khác vì không có việc làm Chung xin vào làm ở lò gạch. “Ngày đó - Chung kể, Quang Kim là vựa gạch của cả huyện Bát Xát. Cả xã có tới hàng chục lò gạch thủ công nhả khói suốt đêm ngày. Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng muốn có đồng tiền giúp đỡ bố mẹ vẫn phải bám lấy lò gạch!”.
Đầu năm 2009, xã Quang Kim được UBND tỉnh Lào Cai chọn làm xã điểm xây dựng Nông thôn mới. Để thực hiện tiêu chí môi trường xanh - sạch tại địa phương, tỉnh đã có quyết định xóa bỏ các lò gạch thủ công. Dân phấn khởi vì thoát khỏi nạn ô nhiễm, nhưng hàng trăm lao động trong đó có cả Chung mất việc làm. Được sự giúp đỡ của Trung tâm khuyến nông huyện, Hội Nông dân xã, nhiều hộ đã vay vốn ưu đãi thử nghiệm và nhân rộng các loại cây con mới, như: nuôi nhím, lợn rừng, nuôi ếch, trồng nấm, đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi nghề sang làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, như ông Trần Văn Như ở thôn An Thanh. Từ một nông dân nghèo đi làm thuê ở các lò gạch, đã tích lũy vốn, kinh nghiệm thành lập một tổ thợ xây, tạo việc làm cho 15 lao động. Ông Phan Văn Sáng, từ một nông dân bình thường đã phấn đấu đầu tư mua 2 xe ô tô tải để kinh doanh dịch vụ vận tải, cho thu nhập ổn định 170 triệu đồng/năm. Còn Châu Văn Chung thì sao?
Tuổi trẻ, anh nghĩ đến nghề làm gạch truyền thống ở địa phương, thị trường vật liệu xây dựng phục vụ Nông thôn mới. Nhưng, bằng cách nào? Qua nghe đài, đọc báo, được biết nhiều nơi chuyển từ mô hình sản xuất gạch thủ công sang sản xuất gạch bloc không nung rất thành công. Anh quyết chí “tầm sư học đạo”. Tháng 6/2009, Chung lên tàu rời Lào Cai đi Nam Định tìm hướng thoát nghèo. Mấy tháng lăn lộn làm thuê và học nghề qua các cơ sở sản xuất lớn nhỏ, khi đã “nạp” đủ kiến thức làm gạch không nung anh lên tàu ngược về Quang Kim. Đầu năm 2010, bắt tay vào khởi nghiệp, Châu Văn Chung có thừa quyết tâm và nghị lực. Nhưng thiếu cái “đầu tiên” là tiền đâu, để làm nhà xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị, thuê lao động? Giữa bộn bề lo toan, thông qua Đoàn Thanh niên xã Quang Kim, Chung được NHCSXH huyện Bát Xát cho vay 38 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn và nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn giải tỏa phần nào khó khăn về vốn. Tháng 9/2010, cơ sở sản xuất gạch không nung đầu tiên tại xã Quang Kim mang tên Thành Chung chính thức ra đời và đi vào hoạt động.
Gạch không nung của Chung có ưu điểm chi phí thấp, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, chất lượng không thua kém gạch đốt bằng lò thủ công, giá cả hợp lý. Tuy vậy, “vạn sự khởi đầu nan”, những ngày đầu sản xuất ra gạch xếp đống, ít người mua. Nguyên nhân, khách hàng thấy “ông chủ” còn quá trẻ - mới tuổi đôi mươi, nên chưa thực sự tin tưởng vào sản phẩm có đảm bảo chất lượng không? Nhưng rồi, “lửa thử vàng”, qua một thời gian sử dụng gạch để xây nhà, làm các công trình khác, khách hàng đã tìm đến tận nơi đặt hàng.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất gạch Thành Chung cho ra thị trường khoảng 90.000 viên gạch, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, với mức thu nhập bình quân trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài sản xuất trực tiếp, cơ sở còn kinh doanh thêm vật liệu xây dựng, như: xi măng, tấm lợp, thu mua hàng nông sản xuất khẩu. Chỉ hai năm sản xuất, kinh doanh, Chung đã trả hết nợ NHCSXH và còn mua được 3 ô tô tải chở vật liệu cho khách hàng.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, Châu Văn Chung còn là Phó Bí thư Đoàn xã Quang Kim đầy năng động. Thời gian này, anh đang cùng đoàn viên thanh niên địa phương tích cực thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới với hàng loạt các hoạt động, như: giữ vệ sinh môi trường, trồng cây xanh… cơ sở Đoàn còn vận động quỹ xây dựng một cây cầu trị giá 70 triệu đồng, Chung là người tham gia tích cực, huy động phương tiện gia đình để chuyên chở vật liệu. Vì thế, bên cạnh giải thưởng Lương Định Của, Châu Văn Chung còn được nhận giấy chứng nhận là thanh niên tiêu biểu trong xây dựng Nông thôn mới của tỉnh. Đó là những phần thưởng quý giá để chàng thanh niên trẻ tuổi dân tộc Giáy tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên con đường phía trước.
Bài và ảnh Thiện Vũ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cầu nối giúp người nghèo làng Kà Bưng được vay vốn
- » Niềm vui của chị Tổ trưởng
- » Người Tổ trưởng tiêu biểu
- » Những phụ nữ làm giàu từ chăn nuôi
- » Cầu nối cho tín dụng chính sách
- » “Chị Tùng tín dụng”
- » Sự nhiệt tâm của người cán bộ NHCSXH vùng cao Bắc Trà My
- » Nữ Giám đốc tận tâm với người nghèo
- » Giám đốc... bản
- » Chị chỉ có một mong ước giản dị...