Cầu nối giúp người nghèo làng Kà Bưng được vay vốn

19/03/2014
(VBSP News) Chị Đinh Thị Mai - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Kà Bưng của xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định), có vẻ ngoài chất phác. Trò chuyện với chị lại càng thấy nhiệt huyết với công việc của chị dường như lúc nào cũng tràn trề. Lúc nào chị cũng sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn những hộ nghèo trong làng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH.
Chị Đinh Thị Mai (bên phải) đang giao dịch với ngân hàng tại Điểm giao dịch xã Canh Liên

Chị Đinh Thị Mai (bên phải) đang giao dịch với ngân hàng tại Điểm giao dịch xã Canh Liên

Tôi gặp chị Mai khi chị dẫn đồng bào làng mình xuống xã gặp cán bộ của NHCSXH huyện xin vay vốn trồng keo lá tràm và nộp lãi của các thành viên trong tổ cho ngân hàng theo quy định. Chị Mai kể, trước đây, cuộc sống còn khó khăn, bà con chỉ sản xuất theo kiểu tự cấp, tự túc. Mấy năm gần đây, mọi người đi làm rừng thuê cho các công ty trồng rừng trên địa bàn xã. Biết được cách trồng rừng, đồng thời thấy một số hộ trong xã có thu nhập cao nhờ trồng rừng, người dân trong làng cũng muốn làm theo, nhưng không có tiền để mua cây giống.

Được NHCSXH huyện Vân Canh và Hội Phụ nữ, Hội Nông dân hướng dẫn cách vay vốn thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhưng trong làng chẳng có ai chịu làm Tổ trưởng. Lớp trẻ thì e ngại, người lớn tuổi thì biết ít chữ, làm sao lập sổ sách theo dõi vốn vay được. Qua nhiều lần tìm kiếm, cán bộ NHCSXH vận động chị Mai làm Tổ trưởng. Lúc đầu, chị ngại lắm vì trình độ học vấn hạn chế, lỡ thất thoát vốn thì biết lấy gì đền, nhưng rồi chị lại nghĩ, ai cũng ngại như mình thì biết đến bao giờ gia đình mình và bà con trong làng mới tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng.

Trong suốt hai năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, dù trời nắng hay trời mưa, cứ vào ngày 15 hằng tháng là chị sắp xếp công việc nhà, đi bộ hơn 3 tiếng đồng hồ từ làng về xã để giúp các hộ nghèo được vay vốn và giúp hộ vay trả lãi cho ngân hàng đúng quy định. Cả đi và về mất hơn 7 tiếng nhưng không tháng nào chị vắng mặt.

Khi được hỏi về công việc của mình, chị Mai thổ lộ: “Khả năng mình còn hạn chế nên mình phải cố gắng mới hoàn thành nhiệm vụ. Khi mình làm tốt công việc, mình thấy vui vì nỗ lực của mình giúp người dân có thể cải thiện”. Hiện Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Mai làm Tổ trưởng có tổng dư nợ 464 triệu đồng, với 22 hộ vay. Điều đáng nói là suốt thời gian qua, tổ của chị chưa hề có nợ xấu, 100% hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích là trồng rừng để vươn lên thoát nghèo.

Để góp phần cho điều đó, trước khi làm hồ sơ cho hộ vay vốn, chị đi thực tế kiểm tra trước để đề xuất ngân hàng giải ngân đúng số vốn mà hộ vay cần, tránh sử dụng vốn sai mục đích. Chị không ngại khó, ngại khổ, có hộ chỉ cần 5 hay 6 triệu đồng chị cũng nhiệt tình giúp họ làm hồ sơ để vay vốn. Ngoài ra, chị vận động các thành viên trong tổ gửi tiền tiết kiệm hàng tháng, tạo cho người vay có ý thức tiết kiệm tạo lập nguồn vốn tự có và có tiền trả nợ vay khi đến kỳ hạn. Chị Mai vui vẻ nói: “Khi giúp cho bà con làm một hồ sơ vay vốn để làm ăn, tôi cảm thấy rất vui vì mình cũng góp phần trong việc giúp cho bà con thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống”.

Điều này được ông Nguyễn Kim Đông - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Vân Canh, xác nhận: “Chị Mai tuy lớn tuổi nhưng luôn nhiệt tình, gần gũi với các hộ nghèo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng vay vốn, qua đó cùng với các hội, đoàn thể xét duyệt, trình UBND xã xác nhận gửi ngân hàng cho vay kịp thời. Về công tác quản lý vốn, chị Mai luôn làm tốt từ việc bình xét cho vay đến thu lãi, thu tiết kiệm hàng tháng, đôn đốc hộ vay trả nợ phân kỳ. Tỷ lệ hộ vay ở tổ trả lãi đạt cao, không có nợ quá hạn”.

Hạnh Phúc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác