Niềm vui của chị Tổ trưởng

11/03/2014
(VBSP News) Trong chuyến công tác tại huyện vùng cao Bắc Trà My (Quảng Nam) đầu năm vừa qua, tôi đã gặp chị Lê Thị Hồng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3, xã Trà Giang, khi chị cùng đồng bào thôn mình xuống trụ sở UBND xã vay vốn ưu đãi để trồng rừng và nộp lãi của các thành viên trong tổ cho NHCSXH theo quy định.
Chị Hồng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3 kiểm tra vườn giống keo tai tượng của các gia đình tổ viên

Chị Hồng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3 kiểm tra vườn giống keo tai tượng của các gia đình tổ viên

Chị Hồng là người dân tộc Kinh, có vóc dáng thanh cao với vẻ bên ngoài chân chất, nhưng khi trò chuyện với chị, ai cũng nhận thấy tính tình chị rất sôi nổi về công việc chung, luôn sẵn lòng giúp đỡ, hướng dẫn bà con nghèo và đồng bào dân tộc trong thôn xóm vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi của NHCHXH vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi.

Ông Triệu Văn Quý - Bí thư Đảng uỷ xã Trà Giang kể, trước đây, cuộc sống vùng quê này còn khó khăn, nông dân chỉ sản xuất theo kiểu tự cấp tự túc và còn e ngại không dám vay vốn, kể cả vốn ưu đãi của Nhà nước. Người vay rồi không biết để làm gì. Tuy được NHCSXH và Hội Nông dân, Hội Phụ nữ động viên hướng dẫn cách thức vay vốn ưu đãi theo Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhưng trong thôn xóm chẳng có ai chịu làm Tổ trưởng. Lớp trẻ thì rụt rè, người lớn tuổi lại biết ít chữ, không biết lập sổ sách giao dịch vay vốn với ngân hàng. Qua tìm kiếm, Lãnh đạo vận động chị Hồng làm Tổ trưởng. Ban đầu, chị đắn đo vì trình độ văn hoá hạn chế, lỡ nhầm lẫn hay thất thoát vốn của Chính phủ thì biết lấy gì mà đền bù, nhưng rồi chị suy nghĩ nếu ai cũng ngại khó thì đến bao giờ gia đình mình và bà con trong thôn mới có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn chính sách. Vậy là chị Hồng xung phong và được hầu hết các hộ nghèo cùng quê tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn từ mùa xuân năm 2008. Trong suốt thời gian dài làm Tổ trưởng, dù trời nắng gắt hay mưa nguồn, cứ vào ngày 16 quy định hằng tháng, chị thu xếp công việc nhà, đi bộ gần 2 giờ đồng hồ từ thôn ra xã để họp, giao ban với Hội Phụ nữ, với cán bộ NHCSXH và trực tiếp giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong Tổ tiết kiệm và vay vốn nhanh chóng trả lãi đầy đủ cho NHCSXH.

Khi chúng tôi hỏi về công việc của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị Hồng nói thành thật: “Khả năng mình còn hạn chế nên mình phải cố gắng hơn mới hoàn thành nhiệm vụ. Mình rất vui khi bà con trong thôn xóm đã vay vốn ngân hàng; biết cách dùng vốn vay nuôi bò vỗ béo, chăm sóc rừng xanh tốt”. Chị Hồng - Tổ trưởng cho biết thêm, hiện Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3, xã Trà Giang có 52 hộ dân tham gia sinh hoạt, đạt mức dư nợ với NHCSXH hơn 1 tỷ đồng. Điều đáng nói là 100% số hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt kết quả rõ rệt, đặc biệt không có trường hợp nào nợ quá hạn. Năm 2013, cả tổ có 6 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi làm điểm tựa. Một số hộ vươn lên làm ăn khá giả, đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Đạt được kết quả đó, có phần đóng góp công sức của chị Tổ trưởng Lê Thị Hồng đã thường xuyên vận động các thành viên chỉ vay đủ vốn để đầu tư sản xuất, không vay thêm để sắm sửa đồ dùng hay chi tiêu khác trong gia đình. Trước khi làm hồ sơ cho tổ viên vay vốn, chị đã đi từng nhà kiểm tra trước rồi mới đề xuất ngân hàng giải ngân đúng số vốn mà hộ cần vay, tránh sử dụng vốn vay sai  mục đích.

Tôi hỏi điều tâm đắc nhất của người Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở vùng quê dân tộc - miền núi là gì, chị Hồng vui vẻ nói: “Mỗi lần giúp bà con làm hồ sơ vay được vốn chính sách để phục vụ sản xuất, kinh doanh là trong lòng tôi vui sướng lắm, bởi mình đã góp phần nhỏ bé giúp dân làng thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống”.

Bài và ảnh Minh Khanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác