Tình Xuân đến với người nghèo

24/02/2014
(VBSP News) Trong cái lạnh kèm theo những cơn mưa phùn đầu năm, chúng tôi đã đồng hành với cán bộ NHCSXH mang nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến với đồng bào nghèo. Từ đây tôi mới hiểu thêm được rằng tuy vốn không nhiều nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho những hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh, giúp họ xóa nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Từ nguồn vốn của NHCSXH nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống bền vững - Xưởng chế biến gỗ của gia đình anh Nguyễn Văn Lương ở xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) cho thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động

Từ nguồn vốn của NHCSXH nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống bền vững - Xưởng chế biến gỗ của gia đình anh Nguyễn Văn Lương ở xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) cho thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động

Về NHCSXH huyện Thanh Sơn, chúng tôi được tham gia buổi giao dịch lưu động ở cơ sở. Sương sớm chưa tan, như mọi ngày Tổ giao dịch lưu động của NHCSXH huyện đã lên đường về các xã… Hôm nay, lên bản Hồ xã Yên Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 50km, đề phòng xe “hỏng” nên cả đoàn phải chuẩn bị đầy đủ đồ ăn và có kế hoạch nhờ người dân tiếp ứng kéo xe, khiêng máy nổ. Ngoài tư trang, cán bộ NHCSXH còn có những thứ không thể thiếu đó là “đồ nghề” gồm hai thùng tôn: Đựng tiền, đựng chứng từ kế toán, một máy phát điện nhỏ, máy tính, máy soi tiền và máy đếm tiền. Hơn 2 giờ vào tận các bản vùng sâu, tôi thấu hiểu được phần nào sự vất vả cũng như lòng nhiệt tình, hay đúng hơn là những tấm lòng biết chia sẻ của những cán bộ NHCSXH vùng cao. Tôi gặp anh Lê Văn Tâm - đại diện một gia đình người Dao thuộc diện nghèo trong bản, đến vay vốn. Cả hai vợ chồng anh đều có sức khỏe nhưng chưa giỏi tính toán làm ăn và mới ra ở riêng trong ngôi nhà tuềnh toàng vách nứa trong cảnh “vườn không nhà trống”. Trước hoàn cảnh  như vậy, Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp giúp đỡ gia đình anh Tâm vay vốn với mục tiêu là: Xóa nghèo, có cuộc sống ổn định. Thông qua ủy thác, anh được NHCSXH huyện Thanh Sơn cho vay 30 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, anh còn được chuyển giao KHKT qua các lớp tập huấn. Vậy là cùng một lúc gia đình anh Tâm được cả hai, “con cá” và cái cần câu. Hy vọng rằng từ đồng vốn có được trong một tương lai không xa vợ chồng anh Tâm sẽ có một cuộc sống tốt hơn, thoát cảnh đói nghèo.

Tiếp tục cuộc hành trình đến với người nghèo chúng tôi đến gia đình chị Bùi Thị Bình ở Văn Lang (Hạ Hòa). Ngôi nhà 3 tầng của gia đình chị cùng chiếc ô tô tải đỗ trước cửa khiến chúng tôi nghĩ chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã giới thiệu nhầm hộ giàu. Song người nhầm lại là chúng tôi, bởi hơn 10 năm trước vợ chồng chị là một trong những người túng bấn nhất làng. Một nách nuôi 4 con nhỏ, đứa lớn nhất mới 9 tuổi mà ruộng chỉ có hơn 5 sào đất cấy lúa. Vợ chồng chị đầu tắt mặt tối làm ruộng chắt chiu, vay mượn mới có tiền mua mảnh đất nhỏ ở góc đường ngoài làng dựng ngôi nhà tạm cấp 4 rộng khoảng 40m2 để có chỗ trú mưa, nắng. Trong lúc chưa biết xoay xở thế nào để thoát nghèo, vợ chồng chị được cán bộ phụ nữ xã đến giới thiệu và làm thủ tục vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Từ nguồn vốn 30 triệu đồng ban đầu ấy, anh chị đầu tư mở rộng diện tích trồng rau màu ngắn ngày, chạy chợ lấy công làm lãi tích cóp thêm vốn rồi nhận thầu đầm cá, lập trang trại nuôi lợn, gà, vịt… Với việc đầu tư đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở, trong thời gian qua vốn tín dụng của NHCSXH tỉnh đã góp phần giúp trên 20 nghìn hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm mới cho trên 30 nghìn lao động, trong đó: Gần 2.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài nhờ vốn vay xuất khẩu lao động; trên 60 nghìn HSSV có điều kiện tiếp tục thực hiện ước mơ chinh phục đỉnh cao tri thức; gần 8.000 hộ được sử dụng nước sạch, 5.000 hộ xây dựng được công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn; trên 60 nghìn gia đình có điều kiện cải thiện đời sống, nhận thức xã hội được nâng lên, diện mạo nông thôn dần được đổi mới. Tất cả các xã, phường trên địa bàn tỉnh đều có Điểm giao dịch, những cuốn Sổ vay vốn màu xanh hay sổ tiết kiệm màu hồng đã trở nên rất đỗi quen thuộc với hộ nghèo, gia đình chính sách…

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Việt Phương - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ cho biết: “Mục tiêu của NHCSXH là giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, trước khi giải ngân cho hộ nghèo. NHCSXH các huyện phối hợp với các hội, đoàn thể mở các lớp chuyển giao KHKT cho hộ nghèo. Cán bộ ngân hàng đến từng hộ kiểm tra năng lực từ đó định hướng cho hộ đầu tư vốn vay vào cây, con, ngành nghề phù hợp sau đó mới giải ngân, để giúp hộ nghèo nhanh thoát nghèo, không bị tái nghèo phải mang đến cho người nông dân nghèo 3 “cái” cùng một lúc: Đó là “con cá” (đồng vốn); “cần câu” (cách làm ăn); “cách câu cá và chế biến cá” (sử dụng vốn và tiêu thụ sản phẩm). Nắm chắc 3 “cái” trên, người nghèo sẽ vượt qua được nghèo”!

Hy vọng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, Xuân mới, người nghèo trong tỉnh có thêm những niềm vui mới!

Huy Công

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác