Lập nghiệp từ chăn nuôi tắc kè
Quê Ngọc Văn Viên ở xã Long Sơn, huyện Sơn Động - huyện miền núi duy nhất của tỉnh Bắc Giang và là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Toàn xã trên 80% diện tích tự nhiên là đồi, rừng. Lắm đất nhưng cuộc sống của người dân vẫn cứ nghèo khổ quanh năm. Là một thanh niên ham học hỏi qua sinh hoạt tại chi đoàn thanh niên thôn Thượng; qua tìm hiểu báo, đài và các mô hình chăn nuôi tại địa phương, Ngọc Văn Viên quyết định chọn mô hình nuôi tắc kè để phát triển kinh tế. Anh lý giải: Tắc kè là động vật có nguồn gốc hoang dã, dễ nuôi, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu núi, đồi Sơn Đông. Trong tự nhiên tắc kè sống trong các hốc cây, kẽ đá, trong các khe tường, mái nhà… chúng săn tìm các loại côn trùng, sâu bọ để ăn. Điều quan trọng hơn đây là một loại động vật có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn. Kịp thời động viên, khuyến khích những thanh niên có chí lập thân, lập nghiệp Xã đoàn Long Sơn tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên Ngọc Văn Viên làm thủ tục vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, cộng thêm 20 triệu đồng vay bạn bè, người thân, tháng 8/2011 anh bắt tay vào “dựng cơ đồ”: xây dựng chuồng trại và thả 40 cặp giống đầu tiên. Nắm chắc được đặc điểm sinh sống của vật nuôi, Ngọc Văn Viên chủ động nguồn thức ăn cho tắc kè bằng cách bắt dán, cào cào, châu chấu và nuôi dế mèn.
Năm 2012, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ, huyện Sơn Động đưa thí điểm mô hình nuôi tắc kè đến 8 hộ, anh Viên được hỗ trợ 30 con giống và tham gia tập huấn kỹ thuật chăm sóc, đi tham quan mô hình nuôi tắc kè ở Nam Định. Tại trang trại Thanh Xuân thuộc xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc anh được “mục sở thị” mô hình nuôi dế, tắc kè hàng hóa. Thú vị hơn anh được gặp người đi tiên phong cùng cảnh ngộ, đó là Giám đốc trang trại Trần Thị Kim Oanh. Chị Oanh cho biết, năm 2009 được Hội Nông dân huyện và xã hỗ trợ, chị được vay 50 triệu đồng trong chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Có vốn, chị bắt đầu nuôi vài trăm con dế, mấy chục con tắc kè, vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, bán sản phẩm lứa trước đầu tư cho lứa sau, cứ thế quy mô trang trại lớn dần. Đến nay, trang trại “Thanh Xuân” của chị Oanh đã có thương hiệu trên thương trường, một tháng trung bình chị bán 1 tạ dế thương phẩm và mỗi năm bán trên 500 con tắc kè…
Nhờ chuyến đi tham quan “trăm nghe không bằng mắt thấy”, nhờ vận dụng tốt những kiến thức đã học được vào quá trình nuôi, chăm sóc nên đàn tắc kè của anh luôn khỏe mạnh, ít bị bệnh, phát triển tốt. Hiện nay, đàn tắc kè đang có hơn 700 con. Hệ thống chuồng trại đã được anh Viên mở rộng lên 4 lần, trong đó có 2 khu ấp nuôi tắc kè giống và 2 khu nuôi tắc kè thương phẩm, đầu ra luôn ổn định. Sơ bộ tính, với giá thị trường hiện tại khoảng 200 nghìn đồng/con, đàn tắc kè của anh có giá gần 150 triệu đồng. Anh Viên cho biết: “Năm 2012, tôi cung cấp ra thị trường hơn 200 con tắc kè giống và gần 1 tạ dế mèn, trừ chi phí còn lãi 60 triệu đồng. Kết quả bước đầu đã giúp tôi trang trải được một phần vốn vay và tiếp tục phát triển, nhân rộng đàn tắc kè của mình”. Hiện nay, mô hình của anh Viên đã có nhiều đoàn viên thanh niên trong và ngoài xã Long Sơn đến tìm hiểu học hỏi và làm theo. Anh Viên động viên các bạn: “Nuôi tắc kè không khó, không vất vả, nặng nhọc như nuôi một số loại động vật khác. Nếu chịu khó nhà nào cũng nuôi được. Thức ăn của chúng dễ kiếm, nhưng các bạn lưu ý tắc kè chỉ phát hiện được mồi động chứ không nhìn được mồi tĩnh. Mùa đông, giống như các loài rắn chúng nằm sâu trong các hang hốc để trú đông, khi ấm lên mới bò ra để kiếm ăn…”.
Ngoài việc mở ra một mô hình mới - nuôi con đặc sản ở huyện vùng cao Sơn Động, Ngọc Văn Viên còn trồng rừng kinh tế với 4ha keo, chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch. Theo tính toán rừng keo của anh có giá trị hàng trăm triệu đồng. Vốn vay ít, lãi nhiều Ngọc Văn Viên là tấm gương trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp trên quê nghèo Sơn Động.
Bài và ảnh Quốc Vũ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cần sớm có chính sách hỗ trợ vốn, việc làm cho người nhiễm HIV
- » Ngày ấy chưa xa
- » Chi hội trưởng hết lòng với người nghèo
- » "Điểm tựa" của người nghèo và các đối tượng chính sách
- » Công đoàn NHCSXH tặng quà cho 30 gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học do chiến tranh
- » Phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
- » Bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách Hưng Nguyên
- » Bàn giao công trình thanh niên
- » Thi đua làm kinh tế giỏi của CCB xã Quang Thuận
- » Đồng vốn đã đi vào cuộc sống