Người làm cầu nối nông dân với ngân hàng
Đồng vốn nhân đôi
Hằng ngày, anh Bình dành thời gian tới các hộ đã vay vốn và đang có nhu cầu vay vốn để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, cách làm ăn, sử dụng đồng vốn của họ. “Có hộ rất muốn vay vốn nhưng chưa biết cách sử dụng tốt vốn vay, có hộ định đầu tư sai mục đích, có hộ đầu tư chưa đúng mức… nếu mình bám sát họ thì sẽ giúp họ điều chỉnh ngay. Cái gì mình chưa hiểu biết nhiều thì mình hỏi thêm cán bộ ngân hàng là sẽ có cách giúp hộ vay vốn giải quyết khó khăn. Đồng vốn với người nghèo mong manh lắm, tiêu thì dễ nhưng khó trả nếu không sử dụng đúng cách”.
Chúng tôi đến gia đình anh Bạc Cầm Hưởng ở cuối bản Nang Cầu, nhà chẳng có tài sản gì đáng giá nhưng trên tường treo rất nhiều giấy khen của các trường học trong xã, trong huyện. Anh Hưởng tâm sự: “Nhà tôi khó khăn quá mà mấy đứa con đều muốn đi học. Chúng nó lại học tốt nên chẳng nỡ bắt đứa nào nghỉ học. Anh Bình đến động viên, bảo tôi cứ nuôi con đi học, chỉ cần mỗi năm nuôi thêm vài con lợn, duy trì tốt một con bò sinh sản là có đủ tiền nuôi con. Tôi hỏi “vốn đâu mà mua bò nái?”. Thế rồi anh Bình giúp tôi vay tiền của NHCSXH, mua 1 con bò. Vừa qua, tôi lại được huyện cấp thêm cho 1 con bò từ nguồn vốn cho vay huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, bây giờ 2 con đều sắp đẻ. Chỉ mấy tháng nữa là đàn bò của tôi có 4 con, tức là tiền vốn đã nhân đôi rồi, có thể lo được cho các con đi học”.
Làm cán bộ không vụ lợi cá nhân
Chị Lò Thị Loán là hộ nghèo ở bản Nang Cầu tâm sự: “Cán bộ Bình công tâm lắm, không thu vén cho nhà mình và người thân đâu. Khi bình xét vay vốn ngân hàng hay xét hỗ trợ cái gì cũng đưa ra họp bản, họp dân, xét công khai, giơ tay biểu quyết. Thu nợ, thu lãi của nhà ai là có sổ sách rõ ràng, không tư túi, lợi dụng tiêu pha vào tiền Nhà nước, bà con tin lắm”. |
Nang Cầu hiện có 44 hộ vay vốn chính sách từ NHCSXH với tổng dư nợ lên tới 819,5 triệu đồng, nhưng mọi khoản thu đều “róc lãi, róc nợ”, không có tồn đọng, khó đòi, mất vốn. Những khoản vay này đã phát huy hiệu quả rất cao trong đời sống và học tập của dân bản. “Ngay như nhà tôi và nhà anh Lò Văn Dom trong bản, mấy năm trước cũng nhờ nguồn vốn này để đầu tư vào chăn nuôi gà, lợn, 2 năm nay đã thoát được nghèo, trả hết gốc và lãi. Nhiều hộ khác như Lò Văn Dói, Bạc Cầm Quỳnh… có con em theo học được đến cao đẳng, đại học cũng là nhờ vốn của NHCSXH”, anh Bình cho hay.
Anh Lường Văn Puống ở bản Nang Cầu cho hay: “Khi con tôi trúng tuyển vào Cao đẳng sư phạm, nhà nghèo quá nên tôi định không cho con đi học. Anh Bình đã đến động viên, hướng dẫn tôi làm thủ tục vay vốn NHCSXH và được vay 15 triệu đồng, vậy là tôi lại cho cháu đi học. Nhiều hộ nghèo trong bản này những lúc gặp khó khăn về vốn đều được anh Bình đến tư vấn cách làm ăn, vượt khó, làm thủ tục vay vốn… Làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn như anh Bình thì ai cũng quý, cũng nể và làm theo”.
Bài và ảnh Nguyễn Công
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Triệu phú tuổi đôi mươi
- » Cầu nối giúp người nghèo làng Kà Bưng được vay vốn
- » Niềm vui của chị Tổ trưởng
- » Người Tổ trưởng tiêu biểu
- » Những phụ nữ làm giàu từ chăn nuôi
- » Cầu nối cho tín dụng chính sách
- » “Chị Tùng tín dụng”
- » Sự nhiệt tâm của người cán bộ NHCSXH vùng cao Bắc Trà My
- » Nữ Giám đốc tận tâm với người nghèo
- » Giám đốc... bản