Ưu tiên đầu tư vùng dân tộc miền núi

11/07/2014
(VBSP News) Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Nghệ An đã có cơ hội phát triển sản xuất, vượt qua khó khăn, vươn lên khá giả.
Nhờ có nguồn vốn chính sách đã làm thay đổi cuộc sống hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Nghệ An

Nhờ có nguồn vốn chính sách đã làm thay đổi cuộc sống hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Nghệ An

Ở xóm 2, xã Nghĩa Thịnh, huyện miền núi nghèo Nghĩa Đàn, chị Lê Thị Hồng trước đây có hoàn cảnh rất khó khăn, kinh tế thiếu thốn, nhưng từ khi được Hội Phụ nữ xã làm tín chấp được vay 20 triệu đồng vốn của chương trình hộ nghèo từ NHCSXH huyện, gia đình chị đã có cơ hội đổi đời với số vốn vay này. Có vốn, gia đình chị Hồng đã mua trâu sinh sản, sau một thời gian phát triển lên 3 con nghé, gia đình chị bán nghé lấy tiền đầu tư đào ao thả cá với 3 sào ao mặt nước nuôi các giống cá như rô, mè, trắm, cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm. Không dừng lại ở đó, gia đình chị tận dụng không gian rộng rãi, tiến hành nuôi gần 200 con gà thả vườn, tăng thêm nguồn thu trên 20 triệu đồng/năm.

Như vậy, từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách, gia đình chị Hồng đã thoát nghèo và sau 2 năm cũng trả được nợ cho ngân hàng. Hiện tại gia đình còn mở rộng diện tích trồng mía và keo, phủ kín đồi trọc, xây dựng mô hình trang trại tổng hợp có tổng thu nhập 200 triệu đồng/năm.

Cũng ở huyện Nghĩa Đàn, vợ chồng anh Nguyễn Thế Quang, chị Phạm Thị Hòa xóm 13 xã Nghĩa Hưng nhờ tham gia sinh hoạt Hội Nông dân, nên đã vừa tham dự các lớp tập huấn về KHKT, vừa được tiếp cận thuận lợi tới nguồn vốn ưu đãi. Với số tiền 25 triệu đồng vay của NHCSXH, gia đình anh Quang đã khai thác địa hình đồi núi, đầu tư nuôi đàn dê tới 40 con, đạt mức thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm. Khi có tích luỹ, anh bàn bạc với vợ khai hoang vỡ đất trồng 2ha mía, ổi, 1.000 cây chanh hồng không hạt, bổ sung nguồn thu nhập cho gia đình khá dồi dào, đồng thời tự nguyện rút khỏi danh sách hộ nghèo, và trả nợ ngân hàng trước kỳ hạn. “Thời gian tới chúng tôi tiếp tục lập dự án mở rộng trang trại, vay vốn của Chương trình giải quyết việc làm nhiều hơn nữa để phát triển nuôi bò sữa, lợn rừng, chim bồ câu, gà thả vườn, quyết chí làm giàu ngay trên vùng đồi đất cằn cỗi”, anh Quang tâm sự:

Rõ ràng, nguồn vốn ưu đãi không chỉ giúp các hộ nghèo ở huyện miền núi Nghĩa Đàn phát triển kinh tế mà tại các huyện vùng cao biên giới như Quế Phong, Quỳ Hợp, Tương Dương, Kỳ Sơn. Cũng có hàng trăm mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đơn cử như mô hình chị Vi Thị Ngọc ở bản Quảng, xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp đã sử dụng vốn vay của NHCSXH, từ lúc đầu nuôi 1 con bê, sau nhiều lần quay vòng, nay đã có 18 con bò. Hiện, chị Ngọc đang đầu tư trại nuôi lợn thịt. Chị cho biết, cứ 3 tháng xuất bán một lứa lợn, mỗi lứa 40 con, với giá 49 nghìn đồng/kg lợn hơi, trừ chi phí, lãi 27,8 triệu đồng/lứa. Dĩ nhiên, chị đã hoàn tất việc trả nợ gốc cho ngân hàng đầy đủ, đúng kỳ hạn rồi.

Tương tự, ông Vừ Rả Mùa, dân tộc H’Mông ở xã Sơn Hà, đang là điển hình trong sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả ở huyện Kỳ Sơn. Năm 2010, ông Mùa vay 25 triệu đồng hộ nghèo của NHCSXH. Vừa làm, vừa học hỏi, lại được Hội Nông dân khuyến khích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nên trang trại của ông không ngừng phát triển. Trên vùng đất đồi khoảng 6ha, ông đã biết cách xây dựng chuồng trại nuôi trâu, bò, lợn; đồng thời ông còn sử dụng đồng vốn vay ưu đãi hợp lý mua cây, con giống tốt về nuôi và cấy 3 sào lúa thơm. Đến nay, cơ ngơi của ông Mùa có 1 con trâu, 10 con lợn cùng ao cá, ruộng lúa, mỗi năm thu nhập 20 triệu đồng.

Theo ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An, sau 5 năm nỗ lực thực hiện các chính sách ưu tiên vốn ưu đãi đầu từ cho vùng dân tộc miền núi, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã không ngừng tăng lên, thu nhập bình quân từ 4,5 triệu đồng/người năm 2007, tăng lên gần 10 triệu đồng/người năm 2013. Hiệu quả nguồn vốn ưu đãi còn tác động đến nhận thức của người dân. Bà con đã yên tâm sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, nâng cao dân trí, hạn chế dần các hủ tục lạc hậu và tình trạng du canh du cư, đốt phá rừng bừa bãi.

Bài và ảnh Trần Quốc Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác