Trợ lực cho người nghèo

08/07/2014
(VBSP News) Những năm qua, từ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH, không ít hộ gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã vươn lên thoát nghèo. Vốn vay ưu đãi thực sự là “phao cứu sinh” giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Chị Trương Thị Tuyết (bên trái) ở ấp Đông Hưng vay vốn ưu đãi để buôn bán nhỏ mong có cuộc sống ổn định

Chị Trương Thị Tuyết (bên trái) ở ấp Đông Hưng vay vốn ưu đãi để buôn bán nhỏ mong có cuộc sống ổn định

Đồng vốn thoát nghèo

Theo ông Trần Trung Ðoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (Cà Mau) những năm qua, nhờ vốn vay ưu đãi mà các hộ nghèo trên địa bàn xã có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo. Ðến nay, tổng dư nợ đạt 9,6 tỷ đồng, với hơn 840 hộ vay vốn. Tuy nhiên, để đồng vốn phát huy hiệu quả cần có sự tác động của chính quyền địa phương trong việc giám sát nguồn vốn, sự giúp đỡ của các đảng viên trong việc tìm nhiều mô hình sản xuất giúp hộ nghèo áp dụng.

Mỗi năm, tỷ lệ thoát nghèo của xã Tân Hưng Đông khoảng 2%, riêng năm 2013 có 126 hộ thoát nghèo, đạt 3,3%, trong đó có gần 100 hộ thoát nghèo từ đồng vốn của NHCSXH. Như hộ ông Nguyễn Thành Ðược ở ấp Ðông Hưng, xã Tân Hưng Ðông, có 1ha đất nuôi tôm thiên nhiên nhưng không hiệu quả, nhờ NHCSXH huyện Cái Nước cho vay 15 triệu đồng, ông cải tạo đất chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến, đến nay ông đã thu hoạch được 2 vụ (vụ đầu sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 20 triệu đồng, vụ thứ hai lãi trên 30 triệu đồng).

Hay như gia đình bà Tô Thị Tương ở ấp Ðông Hưng không có đất sản xuất, được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng, bà đã đầu tư nuôi heo, mua bán nhỏ, mỗi ngày lãi 80 nghìn đồng từ việc mua bán bồn bồn.

Chị Trương Thị Tuyết ở ấp Ðông Hưng một mình nuôi 2 con nhỏ, nhà có 6 sào đất, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống của 3 mẹ con. Năm 2001, được NHCSXH huyện Cái Nước xét cho vay 5 triệu đồng, chị mua heo về nuôi, đồng thời cải tạo lại vườn trồng cây ngắn ngày. Sau lứa heo đầu chị thu lãi gần 5 triệu đồng. Tích cóp dần, đến năm 2012 chị cất được căn nhà, ổn định cuộc sống. Chị Tuyết chia sẻ: “Nhờ đồng vốn chính sách mà tôi có thể lo cho 2 con khôn lớn, cất được căn nhà đàng hoàng. Nếu như vay vốn từ bên ngoài với lãi suất cao thì có lẽ gia đình tôi khó có được cuộc sống như ngày nay”.

Trên đây chỉ là một vài trường hợp thoát nghèo trong rất nhiều trường hợp thoát nghèo từ đồng vốn ưu đãi. Ðến nay, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.382 tỷ đồng, với 12 chương trình tín dụng cho vay.

Cần giám sát chặt nguồn vốn cho vay

Thực tế cho thấy, nguồn vốn vay đối với hộ cận nghèo thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ông Trịnh Thanh Nơi - Giám đốc NHCSXH huyện Cái Nước, cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị được phân bổ 13,5 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch, vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm và đã giải ngân xong.

Ông Hồng Hoài Hận - Phó Trưởng phòng nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh Cà Mau cho biết: “Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà người nghèo trong tỉnh có điều kiện vươn lên. Tuy nhiên, một số hộ sau khi được vay vốn lại bỏ đi làm ăn xa ở nơi khác, làm cho tỷ lệ nợ quá hạn tăng cao, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chung trên toàn tỉnh”.

Thiết nghĩ, việc cho vay vốn ưu đãi là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, để đồng vốn vay này thật sự đạt hiệu quả thì chính quyền và các hội, đoàn thể ở cơ sở cần có định hướng và hướng dẫn cho hộ vay phương án làm ăn trước khi vay. Bên cạnh đó, cần theo dõi, giúp đỡ, giám sát hộ vay trong quá trình sử dụng vốn. Có như vậy mới giúp hộ vay hạn chế rủi ro và vốn đầu tư sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Song song với hỗ trợ vay vốn thì dạy nghề cho người nghèo là hướng đi tích cực để giúp họ thoát nghèo bền vững.

Theo Báo Cà Mau

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác