Bắc Kạn kiện toàn, sắp xếp mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, trong công tác quản lý nguồn vốn vay, dẫn đến tình trạng nợ quá hạn tồn đọng kéo dài, hoặc phát sinh vay ké, chiếm dụng vốn vay… Chính vì vậy, thời gian qua, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo NHCSXH cấp huyện, thị xã và phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các hội, đoàn thể ở cơ sở tiếp tục thực hiện việc củng cố các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để nâng cao chất lượng tín dụng và hiệu quả đồng vốn.
Ông Hà Sỹ Côn - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Bắc Kạn cho biết, trước đây, các Tổ tiết kiệm và vay vốn quản lý hội viên theo địa bàn từng thôn, bản. Do địa hình vùng miền núi dân tộc nên có Tổ tiết kiệm và vay vốn nhà của hội viên nằm xa tới 4km, nên dẫn đến hiện tượng dàn trải, đôi khi thông tin hai chiều giữa tổ viên với Tổ trưởng không được thường xuyên từ đó việc họp hành phổ biến các chính sách, quy định liên quan đến tín dụng ưu đãi hay việc bình xét cho vay, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, thu lãi gặp trở ngại. Xuất phát từ những khó khăn trên, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn chủ trương tiếp tục kiện toàn lại các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo phương thức quản lý theo tổ tự quản. Nghĩa là theo cách quản lý mới, các Tổ tiết kiệm và vay vốn được rút ngắn khoảng cách về đường sá, địa điểm cư trú của các tổ viên và sắp xếp liền canh, liền cư, tạo thuận lợi cho Ban quản lý tổ cũng như các tổ viên trong tổ. Hiện tại, khoảng cách mỗi tổ ở các huyện vùng cao Pắc Nậm, Ba Bể, Na Rì, Chợ Đồn đã được rút ngắn 1km so với trước đây.
Hiệu quả thiết thực sau khi được sắp xếp lại tổ, ông Hoàng Văn Tính - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Phiềng, xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể, nhận xét: Hiện trong tổ có 47 hội viên trong đó có 19 hội viên được sắp xếp lại cho liền canh, liền cư, đang vay vốn của NHCSXH huyện 7 chương trình tín dụng ưu đãi với số tiền 1,2 tỷ đồng. Sau khi được củng cố, kiện toàn về tổ chức, những buổi sinh hoạt ở Tổ tiết kiệm và vay vốn được dễ dàng hơn, thuận tiện và thu lãi đúng quy định hơn.
Ngoài ra, các hội viên đều là hàng xóm, ở gần nhau nên hiểu rất rõ hoàn cảnh của nhau, qua đó việc giúp đỡ thoát nghèo cũng cụ thể, có kết quả rõ rệt. Từ đầu năm đến nay, các hội viên đã giúp nhau bằng cách những hộ nào có giống cây tốt, năng suất cao thì các hộ khác tự chiết mang về trồng mà không lấy tiền cây giống. Với cách làm này đã giúp 13 hội viên trong tổ nhiều cây trồng, chuyển đổi trên 4.000m2 diện tích đất đồi hoang.
Theo chị Hà Thị Diệu, xã Đồn Phong, huyện Bạch Thông, cho biết: “Việc sinh hoạt trong Tổ tiết kiệm và vay vốn” liền canh, liền cư đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho hội viên. Đối với bản thân tôi, khi có những việc cần sự hỗ trợ của Tổ trưởng cũng như của NHCSXH luôn được giải đáp kịp thời và việc nộp lãi hàng tháng cũng nhanh chóng, đơn giản hơn trước. Chị Diệu còn cho biết, từ khi tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa giới gần nhà nhau, gia đình chị đã phát huy hiệu quả 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi, phát triển mô hình trồng chuối xuất khẩu kết hợp chăn nuôi trâu sinh sản, gà đồi, thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm.
Đến nay, việc củng cố, sắp xếp các Tổ tiết kiệm và vay vốn đang khẩn trương thực hiện và dự kiến đến tháng 10 năm nay sẽ hoàn thành việc sắp xếp các tổ ở huyện, thị xã thuộc tỉnh miền núi Bắc Kạn, góp phần nâng cao một bước chất lượng tín dụng chính sách.
Bài và ảnh Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Niềm vui được nhân lên
- » 6.000 học sinh, sinh viên ở Đại Từ được vay vốn ưu đãi
- » Trung ương Hội CCB Việt Nam và NHCSXH sơ kết công tác ủy thác cho vay
- » Tạo vững niềm tin ở vùng đất chè Thái Nguyên
- » Sống chung với thiên tai
- » Tín dụng chính sách - giàu tính nhân văn
- » Hiệu quả từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm ở Thái Bình
- » Chuyển biến ở Phúc Chu
- » Điểm tựa vươn lên của hộ cận nghèo