Hiệu quả từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm ở Thái Bình
Chương trình cho vay GQVL được NHCSXH tỉnh Thái Bình nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước năm 2003. Ông Vũ Văn Thuân - Phó Giám đốc chi nhánh cho biết: ngay sau khi nhận bàn giao, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, giải ngân cho các đối tượng vay vốn, ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố và các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh thực hiện đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, hỗ trợ phát triển ngành nghề, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về GQVL, giảm nghèo bền vững.
Ðến ngày 31/5, tổng dư nợ Chương trình cho vay GQVL trên địa bàn tỉnh gần 68 tỷ đồng với 3.710 khách hàng còn dư nợ, doanh số cho vay 7 tỷ đồng, doanh số thu nợ gần 8 tỷ đồng. Các địa phương có dư nợ cao: TP. Thái Bình 10,659 tỷ đồng, Tiền Hải 10,195 tỷ đồng, Thái Thụy 8,918 tỷ đồng. Ðể đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của nhân dân, thời gian qua, ngoài nguồn vốn do Trung ương cấp, chi nhánh còn tích cực chỉ đạo NHCSXH các huyện, thành phố và các hội, đoàn thể thu hồi vốn đã đến hạn, từ đó tạo ra nguồn vốn cho vay quay vòng. Ðến ngày 31/5, tổng nguồn vốn cho vay GQVL trên địa bàn tỉnh đạt hơn 68 tỷ đồng. Nhờ thực hiện có hiệu quả, toàn tỉnh Thái Bình đã GQVL mới cho gần 4.000 lao động.
Chúng tôi đến thăm doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An do chị Phạm Thị Ngắn ở xã Tây An, huyện Tiền Hải làm chủ, một trong những khách hàng vay vốn GQVL mang lại hiệu quả cao. Với tâm niệm luôn hướng về người nông dân và phải làm gì đó cho quê hương, chị Ngắn đã quyết tâm chọn nghề cói truyền thống làm hướng đi của mình. Khởi nghiệp từ năm 1996 nhưng phải đến năm 2003, cơ sở sản xuất cói truyền thống của chị Ngắn mới phát triển mạnh.
Chị Ngắn nhớ lại: “Ngay cả việc đi chào hàng cũng chỉ có chiếc xe đạp cũ, vốn ít nên việc mở rộng phát triển sản xuất gặp rất nhiều khó khăn”. May mắn thay, doanh nghiệp chị Ngắn là một trong những đơn vị được bình xét cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn GQVL của NHCSXH. Sử dụng đồng vốn có hiệu quả, chị Ngắn tiếp tục được vay 400 triệu đồng từ NHCSXH.
Với các sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chị Ngắn đã tìm kiếm thị trường xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc…, tạo việc làm cho 20 lao động trực tiếp và 5.000 - 7.000 lao động vệ tinh với thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng (lao động trực tiếp) và 1,7 - 2 triệu đồng/người/tháng (lao động vệ tinh).
Còn đối với anh Trần Văn Anh, chủ cơ sở cơ khí Trần Anh ở thôn Tây Hạ, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình, tuy chỉ được vay 20 triệu đồng từ Chương trình GQVL thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Tây Hạ do Hội Nông dân quản lý nhưng nguồn vốn đó đã giúp gia đình rất nhiều trong lúc khó khăn nhất. Có duyên với nghề cơ khí nên sau 10 năm đi làm thuê tại các cơ sở cơ khí tư nhân, năm 2002, anh Anh đã mở cơ sở cơ khí tại gia đình. Anh tâm sự: do không có vốn nên cứ vay mượn được chút ít, anh lại đầu tư khi thì nâng cấp máy hàn, lúc lại nâng cấp máy cắt, rồi xây dựng cơ sở tươm tất hơn. Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, cơ sở anh Anh còn tạo việc làm cho 2 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Ông Vũ Văn Thuân - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Bình cho biết thêm: không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, giải ngân cho các đối tượng vay vốn, thời gian qua, chi nhánh còn thực hiện tốt công tác xử lý nợ xấu nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ. Cùng với việc tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ vốn vay, thời gian qua, chi nhánh còn phối hợp với chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị Chính phủ xóa nợ cho 28 món vay đủ điều kiện xử lý rủi ro theo quy định với tổng số tiền gần 387 triệu đồng. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng khởi kiện 3 trường hợp có đủ điều kiện trả nợ nhưng chây ỳ với tổng số tiền 220 triệu đồng.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giảm lãi suất cho vay Chương trình GQVL xuống còn 7,2%/năm. Đâylà một tín hiệu vui đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần giúp các đối tượng thụ hưởng giảm bớt chi phí nhất là trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Minh Hương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Chuyển biến ở Phúc Chu
- » Điểm tựa vươn lên của hộ cận nghèo
- » Hậu Giang sắp xếp Tổ tiết kiệm và vay vốn để nâng cao chất lượng tín dụng
- » “Phao cứu sinh” cho người nghèo
- » “Chìa khóa” giúp người dân mở cánh cửa thoát nghèo
- » Giúp dân thoát nghèo, làm giàu
- » Ngày vui cho những người nghèo
- » Nông dân Như Thanh sử dụng vốn vay hiệu quả
- » Về Kỳ Sơn