“Chìa khóa” giúp người dân mở cánh cửa thoát nghèo

24/06/2014
(VBSP News) “Thấy khó khăn, cứ tìm đến gõ cửa NHCSXH” - là câu nói mộc mạc thật lòng của nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở TP. Đà Nẵng khi nói về “bà đỡ” NHCSXH.
Vợ chồng bà Tình thoát cảnh cơ cực nhờ vay tiền ưu đãi để trồng nấm, nuôi bò

Vợ chồng bà Tình thoát cảnh cơ cực nhờ vay tiền ưu đãi để trồng nấm, nuôi bò

7h sáng ngày 18/6, Hội trường UBND xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) đã đón hàng chục lượt người địa phương hồ hởi kéo đến. Phiên giao dịch vay vốn giữa các hộ dân với NHCSXH huyện Hòa Vang hơn 1 tiếng đồng hồ nữa mới bắt đầu, nhưng không một ai cảm thấy phiền lòng vì phải đợi lâu, bởi đã có các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trong thôn, xã, đứng ra “đốt thời gian” bằng cách hướng dẫn, giải thích về các thủ tục vay vốn, chia sẻ những mô hình làm ăn hiệu quả….

Cơ hội lớn để đổi thay cuộc sống

Quá quen thuộc với các buổi làm việc tương tự, ông Nguyễn Lương Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cũng đến sớm. Ông Thành cho biết, nhờ nguồn vốn từ NHCSXH, Hoà Khương phát triển được 256ha diện tích mặt nước nuôi cá. Ngoài ra có các mô hình trồng nấm, phát triển sản xuất - kinh doanh. Năm 2013, địa phương vẫn còn 346 hộ nghèo với 944 nhân khẩu, nhưng dự kiến trong năm 2014 sẽ có 206 hộ thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu…

Một trong những người từng vay vốn, lần này tiếp tục có mặt tại phiên giao dịch xã Hòa Khương, ông Phạm Công Tích, sinh năm 1965, xã Hòa Khương, bộc bạch: “Năm 2008, để có thêm thu nhập tôi muốn tham gia mô hình nuôi cá trê lai nhưng khả năng gia đình hạn chế. Rất may, NHCSXH huyện Hoà Vang đồng ý cho tôi vay một nguồn vốn đúng mức tôi cần, với chi phí mà khả năng tôi chấp nhận được. Từ đó đến nay, tôi liên tục trúng lớn vụ cá, có tiền nuôi con ăn học, cuộc sống gia đình cải thiện trông thấy”.

Không hướng theo cách làm đại trà trong xã Hòa Khương, vợ chồng bà Trần Thị Tình, sinh năm 1964, lại “bẻ ngoặt” cuộc sống nhờ vào mô hình trồng nấm. Với 5 người con nheo nhóc, hơn 20 năm nuôi chồng bị tai biến, từng có thời điểm, bà Tình phải nghĩ đến chuyện bán đi căn nhà xiêu vẹo để lo gia đình. Chính sách cho vay hộ nghèo của NHCSXH ra đời và kịp mang đến cho gia đình bà chiếc “phao cứu sinh”. Năm 2003, có được món tiền vay kha khá, bà Tình mua bò về chăn thả, số còn lại nuôi gà đẻ bán trứng để “lấy ngắn nuôi dài”. Trả hết tiền gốc lẫn vay thứ nhất, bà được địa phương cho học cách trồng nấm rồi tiếp tục vay tiền phát triển nghề này. Đến nay, tuy chưa thực sự thoát khỏi cuộc sống khó khăn nhưng ước nguyện thấy con được đến trường, bữa ăn có cá, thịt của bà Tình phần nào đã thành hiện thực…

Những con số thấu hiểu

“Từ năm 2013, NHCSXH TP. Đà Nẵng triển khai cho vay theo dự án Nippon - mở rộng tiếp cận tài chính đối với người khuyết tật. Năm 2014 còn có chương trình cho vay đặc thù chú ý đến đối tượng thu hồi đất sản xuất, di dời giải tỏa. Với chương trình này, hằng năm UBND thành phố chuyển vốn ủy thác sang cho NHCSXH để cho vay. Hiện tại, tổng số vốn thành phố chuyển sang NHCSXH hơn 40 tỷ đồng, và hiện có 2.022 hộ còn dư nợ chương trình này với số tiền 35,2 tỷ đồng”.

Không chỉ ông Tích, bà Tình, hàng chục năm qua, nhiều người dân thoát nghèo ở huyện Hòa Vang đều ví von NHCSXH không khác gì “bà đỡ” của họ. Tuy số tiền được vay không nhiều, tối đa chỉ 30 triệu đồng/hộ (năm 2014 được nâng lên 50 triệu đồng/hộ), song với người nghèo đó là cơ hội lớn để đầu tư sản xuất. Ông Đoàn Ngọc Cẩm - Giám đốc NHCSXH huyện Hòa Vang cho biết, hiện NHCSXH huyện chịu trách nhiệm đáp ứng nhu cầu về vốn cho đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn 17 xã, phường thuộc huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng). Nhiều năm nay, đơn vị đã xây dựng hơn 380 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hàng tháng, Tổ giao dịch lưu động về các xã, phường giải ngân, thu lãi, tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận vốn vay thuận lợi nhất.

Bà Trần Thị Phương Lan - Giám đốc NHCSXH TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2003 đến tháng 6/2014, địa bàn có gần 25 nghìn lượt khách hàng được vay vốn tại  NHCSXH TP. Đà Nẵng. Doanh số vay đạt gần 427 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm tăng 68 tỷ đồng so với năm 2013. Tính đến tháng 6/2014, có hơn 85 nghìn khách hàng còn dư nợ, tổng số dư nợ đạt 2.237 tỷ đồng, tăng 1.128 tỷ đồng so với năm 2013. “Với thành công trong 11 năm qua, chi nhánh đã góp phần giúp gần 8 nghìn hộ thoát nghèo (theo chuẩn thành phố), giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,27% vào cuối năm 2013 xuống còn 4,2%; tạo việc làm mới cho hơn 35 nghìn lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp của thành phố xuống 3,2%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 41 đến 60%”, bà Lan tự hào chia sẻ.

Theo Báo PLVN

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác