Quảng Bình với mục tiêu giảm nghèo
Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2013 số hộ nghèo của tỉnh Quảng Bình là 14,2%; hộ cận nghèo hơn 18,2%. Tỷ lệ này vẫn còn cao, hơn mức trung bình chung của cả nước và cao nhất khu vực Bắc Trung bộ. Năm 2014, Quảng Bình đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%. Tỉnh chỉ đạo: trên cơ sở kết quả điều tra, rà soát, tiến hành phân loại đặc điểm của từng nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo để xác định nguyên nhân, đề ra các giải pháp cụ thể giúp đỡ, hỗ trợ người dân; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ và phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp tốt, phát huy hiệu quả các chính sách của Nhà nước về chương trình giảm nghèo để đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Bên cạnh việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, tạo việc làm theo các chương trình giảm nghèo, năm qua tỉnh Quảng Bình cũng đã giải quyết có hiệu quả nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Theo số liệu từ chi nhánh NHCSXH của tỉnh, đến cuối năm 2013, dư nợ cho vay hộ nghèo thực hiện được gần 830 tỷ đồng, tăng trên 72 tỷ đồng so với cùng kỳ và chiếm gần 39% tổng dư nợ cho vay theo các Chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Phần lớn nguồn vốn cho vay hộ nghèo đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi đã có hàng chục nghìn hộ nghèo có vốn để xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình, từng bước tạo nguồn thu nhập ổn định để thoát nghèo. Phát huy truyền thống, vượt lên khó khăn, bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu đạt kết quả khả quan. Cụ thể: tính đến hết quý I/2014, doanh số cho vay đạt 122 tỷ đồng, tăng 66 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước; huy động nguồn vốn tín dụng được gần 59 tỷ đồng (76,5% kế hoạch); doanh số thu nợ đạt 97 tỷ đồng, tăng 39 tỷ đồng so với kế hoạch. Tổng dư nợ đạt 2.170 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tăng trưởng dư nợ tập trung ở các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Đói nghèo có nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung chủ yếu vào 3 cái thiếu. Đó là thiếu vốn, thiếu việc làm và thiếu kiến thức. Ý thức sâu sắc về vấn đề này, Hội Phụ nữ huyện Bố Trạch đã phối hợp với các ngành chuyên môn như Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tổ chức gần 300 lớp tập huấn để chuyển giao tiến bộ KHKT về chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, trên 4.000 chị em đã tham gia nhiệt tình. Bên cạnh đó, hội cũng đã thực hiện tốt vai trò “bà đỡ” cho chị em hội viên trong quá trình giải ngân các dự án.
Đặc biệt, hội đứng ra nhận ủy thác 150 tỷ đồng vốn vay từ NHCSXH, cho trên 7.705 hộ vay. Vừa cho vay, Hội Phụ nữ các cấp đã thực hiện tốt hoạt động phối hợp trong kiểm tra hiệu quả sử dụng đồng vốn, đôn đốc thu nợ, thu lãi, gửi tiết kiệm. Đến thời điểm này toàn huyện đã có 357 mô hình của phụ nữ làm ăn có hiệu quả, trong đó đáng chú ý có 10 mô hình thu nhập bình quân từ 100 - 250 triệu đồng/năm; mỗi mô hình giải quyết việc làm cho 10 - 15 lao động nữ. Tiêu biểu là các mô hình chế biến thủy sản ở Đức Trạch, mô hình VAC của chị Dương Thị Hồng Gấm, trang trại cao su của chị Nguyễn Thị Tâm xã Tây Trạch…
Minh Hóa là huyện miền núi rẻo cao phía Tây của tỉnh Quảng Bình, đời sống đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, đồng hành cùng bà con vượt khó, Hội Nông dân huyện đã đứng ra nhận ủy thác 134 tỷ đồng từ NHCSXH cho 9.000 lượt hội viên vay vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng theo nhiều mô hình khác nhau. Anh Đinh Long ở thôn Minh Xuân, xã Xuân Hóa trước đây là một hộ nghèo nhất, nhì trong xã, cuộc sống quanh năm phụ thuộc vào những chuyến đi rừng tìm ong lấy mật. Năm 1996, dự án “An toàn lương thực” do Chính phủ Đức tài trợ được triển khai ở huyện Minh Hóa. Một trong những chương trình nổi bật của dự án là dạy nghề nuôi ong và ông Long là một trong những người được dự án chọn nuôi thí điểm. Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật, ông đã có cách “giữ” được những đàn ong gắn bó với gia đình. Chỉ 1 năm sau dự án, ông đã có trong tay hàng trăm đàn ong. Đến nay, ông không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu từ nghề nuôi ong lấy mật, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, nuôi 5 con tốt nghiệp trường đại học, có việc làm ổn định.
Ông Long đang là Chủ tịch hội nuôi ong huyện Minh Hóa, nhờ ông truyền nghề cả huyện hiện có trên 2.000 đàn ong với trên 200 hộ nuôi, thu nhập hàng năm trên 10 tỷ đồng. “Nhờ vốn vay NHCSXH, khai thác thế mạnh địa phương, trồng rừng kết hợp chăn nuôi là một trong những cách thoát nghèo bền vững của huyện Minh Hóa chúng tôi”, ông Long khẳng định.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Hàng nghìn sinh viên vùng quê thuần nông được tiếp sức đến trường
- » Giúp hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững
- » “Cuộc chiến” thoát nghèo tại vùng Tây Nguyên
- » Từ ngày 15/6/2014, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy được vay vốn chính sách
- » Lạng Giang tăng cường năng lực quản trị tín dụng chính sách
- » Bắc Ninh sau 1 năm cho vay hộ cận nghèo
- » Quản lý tốt nguồn vốn ủy thác
- » Làng quê ở vùng Đồng Tháp Mười có nước sạch
- » Giảm nghèo là thành tích nổi bật của Việt Nam