Sự thay đổi bất ngờ ở Ia Grai

17/06/2014
(VBSP News) Một ngày đầu tháng sáu, trong cái nắng, cái gió đến rát da của Tây Nguyên, tôi tìm về xã biên giới Ia O thuộc huyện Ia Grai (Gia Lai). Cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến dải đất vùng biên là sự “thay da, đổi thịt” đến bất ngờ, sức sống mới đã trỗi dậy mạnh mẽ khắp nơi.
Anh Lê Văn Lực bên trang trại của mình

Anh Lê Văn Lực bên trang trại của mình

Trong căn nhà xây chắc chắn, chị Siu Byat - Chi hội trưởng phụ nữ làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai kể, chị lấy chồng từ năm 2003, gia đình hai bên đều nghèo khó, vợ chồng không được học hành, không nghề nghiệp, không có đất canh tác nên cuộc sống ngày càng rơi vào túng thiếu.

Năm 2008, vợ chồng chị quyết định vay 10 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư chăm sóc cây mì. Chị Byat không giấu được xúc động khi hồi tưởng: “Được sự động viên tư vấn của cán bộ địa phương nên mình mới dám vay số tiền đó. Mình mua phân chăm sóc vườn mì. Nhờ vậy, năm nay không những vợ chồng mình thoát nghèo mà còn xây được căn nhà gần 150 triệu đồng. Nếu ngày ấy không quyết định vay vốn làm ăn thì chắc chắn đến giờ mình cũng chưa hết nghèo chứ làm gì có nhà mà ở”.

Vững bước thoát nghèo

Cũng thoát nghèo nhờ nguồn vốn từ NHCSXH, vợ chồng chị Pinh H’yung sinh năm 1984 - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia O, khiến nhiều người phải nể phục vì chị không chỉ giỏi làm ăn kinh tế, làm công tác xã hội mà còn là một cô con dâu thảo nhất vùng. Năm 2006, chị H’yung lấy chồng, hai vợ chồng đều là người dân tộc thiểu số, cùng hoàn cảnh nghèo khó giống nhau. Sau khi cưới anh chị phải ở nhờ một căn nhà bỏ hoang của hàng xóm, đi làm thuê sống qua ngày. Cái nghèo cứ bám lấy vợ chồng chị… Năm 2008, chị H’yung vay 10 triệu đồng từ NHCSXH huyện Ia Grai, trong đó 7 triệu đồng để mua 1ha đất trồng điều, số tiền còn lại anh chị dùng để thuê đất trồng sắn.

Vụ đầu tiên, sau khi trừ hết các chi phí, anh chị lời được gần 20 triệu đồng. Thấy làm ăn có lãi, vợ chồng chị bàn nhau tăng mức vay từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng vào năm 2010. Lần này, vợ chồng chị thuê hẳn 2ha đất để trồng sắn. Chị H’yung vui mừng cho biết, năm đó vợ chồng chị lãi hơn 30 triệu đồng. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên năm 2012, vợ chồng chị H’yung đã xây được căn nhà trị giá 120 triệu đồng. Thời điểm đó, mẹ chồng chị bị tại biến mạch máu não nên chị H’yung bàn với chồng bán bớt rẫy, mua cái máy photocopy về làm tại nhà để vừa có thu nhập vừa tiện chăm sóc mẹ chồng. Bây giờ, mỗi năm thu nhập bình quân của vợ chồng chị khoảng 100 triệu đồng.

Tự tin làm giàu

Nói về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Lê Văn Lực sinh năm 1986 - Phó bí thư Đoàn xã Ia Bă, huyện Ia Grai vẫn giữ giọng đầy cảm kích khi nhắc tới sự đồng hành quý giá của anh chị em cán bộ NHCSXH huyện Ia Grai.

Ở xã này, không ai không biết anh Lực vừa năng nổ trong công tác xã hội vừa là một người thành công trong làm giàu từ mô hình VAC. Năm 1996, anh Lực cùng bố mẹ và anh trai (bị bại não) vào Gia Lai lập nghiệp. Với số vốn ít ỏi gia đình anh mua được 5 sào đất rẫy. Sau quá trình làm ăn chăm chỉ, gia đình anh đã mua được 5 sào đất rẫy để canh tác. Tuy nhiên, bố mẹ thì già, anh trai lại bệnh tật nên thu nhập cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc. Năm 2008, anh Lực lấy vợ, một cô gái cùng quê, vì nghèo khó nên phải theo gia đình vào đây lập nghiệp. Sau khi bàn bạc, vợ chồng anh quyết định vay 20 triệu đồng của NHCSXH huyện đầu tư trồng cây ngắn ngày, mang lại thu nhập ngay cho gia đình. Cứ thế, “lấy ngắn nuôi dài”, đến giờ anh chị đã có trong tay 3ha cây cà phê, gần 2.000 trụ tiêu và 5 sào ao nuôi cá. “Mỗi năm doanh thu của gia đình tôi khoảng hơn 1 tỷ đồng. Đây có thể chỉ coi là những thành công ban đầu từ mô hình kinh tế VAC mà tôi đang xây dựng - anh Lực cho biết - May nhờ Nhà nước có chính sách hỗ trợ các hộ gia anh như chúng tôi. Nếu như ngày ấy tôi không mạnh dạn và được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng thì chắc chắn tôi không thể có được cơ ngơi như ngày hôm nay”.

Bà Phạm Thị Đường - Giám đốc NHCSXH huyện Ia Grai, chia sẻ: “Ia Grai là một huyện biên giới, với đa số là người dân tộc thiểu số. Thế nên cán bộ, nhân viên ở đây không chỉ cho người dân vay mà đôi khi còn phải tìm hiểu để sản xuất tư vấn cho người dân những mô hình để hiệu quả. Tuy vất vả hơn nhưng nhìn những thay đổi tích cực trong đời sống của bà con, chúng tôi cũng cảm thấy thật sự hạnh phúc”.

Theo Uyên Thu Báo Pháp luật Việt Nam

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác