Về Kỳ Sơn

23/06/2014
(VBSP News) Tháng 5, trời nắng như đổ lửa, theo Quốc lộ 7A chúng tôi về huyện Kỳ Sơn, một trong 64 huyện nghèo của cả nước. Không chỉ “đệ nhất nghèo”, Kỳ Sơn còn là huyện “đệ nhất” khó khăn. Nằm ở cực Tây tỉnh Nghệ An, Kỳ Sơn cách TP. Vinh 250km, có tới 192km đường biên giới với nước bạn Lào. Toàn huyện có 20 xã và 1 thị trấn Mường Xén, trong đó có 7 xã cách trung tâm huyện lỵ trên 40km đường rừng. Đặc biệt, có 2 xã xa nhất là Ken Du và Na Ngoi, cách 80 - 85km, cán bộ tín dụng xuống xã phải đi mất 2 - 3 ngày đường, đấy là lúc “thiên thời”, nếu gặp phải ngày “mưa nguồn, suối lũ” thì có đường vào nhưng không có đường ra.
Từ nguồn vốn chính sách, cuộc sống người H’Mông ở huyện Kỳ Sơn đã đổi khác Ảnh: Nguyễn Công

Từ nguồn vốn chính sách, cuộc sống người H’Mông ở huyện Kỳ Sơn đã đổi khác
                                                                                                                                           Ảnh: Nguyễn Công

Kỳ Sơn có diện tích tự nhiên 2.095km2 (rộng hơn tỉnh Thái Bình gần 550km2), nhưng huyện chỉ có 3.373ha (1,61%) đất sản xuất nông nghiệp, còn lại chủ yếu là núi, trong đó có nhiều dãy núi cao hiểm trở. Điển hình là dãy Pu La Leng ở xã Na Ngoi, có đỉnh cao 2.711m, là ngọn núi cao nhất tỉnh Nghệ An và cả hệ Trường Sơn. Đất rộng, người thưa, toàn huyện chỉ có 72.000 hộ dân với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc H’Mông 35,9%, Khơ Mú 31,9%, Thái 27%, dân tộc Kinh chỉ có 5%. Từ thị trấn Mường Xén lên cửa khẩu Nậm Cắn không xa, đây là đầu mối thông thương kết nối các huyện miền Tây xứ Nghệ với các huyện phía Nam nước bạn Lào thuộc 3 tỉnh: Huaphan, Xiêng Khoảng, Bô Ri Kham Xay.

Lần đầu tiên chúng tôi đến Mường Xén, đến với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kỳ Sơn, giữa trưa hè oi bức, nhưng cái nắng cũng bớt chói chang bởi sự chân tình đón tiếp của anh chị em ở Phòng giao dịch. Sau những cái bắt tay, tiếng cười, chào hỏi… chủ và khách như những người thân lâu ngày gặp lại. Nhấp ly nước chè xanh đặc sánh, vơi đi nỗi nhọc nhằn đường trường, chị Vy Thị Khuyên - Giám đốc Phòng giao dịch kể với khách: NHCSXH huyện Kỳ Sơn được thành lập từ tháng 5/2003. Ngay từ những ngày “khởi đầu nan” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của huyện ủy, UBND các cấp, các ban, ngành trong huyện. Để “an cư, lạc nghiệp” cho anh, chị em cán bộ nơi vùng biên cương, huyện đã cấp 810m2 đất giữa trung tâm thị trấn Mường Xén để xây trụ sở Phòng giao dịch. Về hoạt động tín dụng, tính đến hết quý I/2014, toàn huyện đạt tổng dư nợ gần 193 tỷ đồng/10 chương trình cho vay; 13.596 hộ đang có dư nợ với ngân hàng.

Giám đốc Phòng giao dịch huyện Kỳ Sơn Vy Thị Khuyên, người dân tộc Thái, sống giữa núi rừng nhưng mảnh mai như người dân thành phố. Mới gặp chị buổi đầu nhiều người thoáng lo: giữa bộn bề công việc gia đình, xã hội, điều hành một Phòng giao dịch có số cán bộ có lẽ đông nhất nước (14 người), quản lý số vốn gần 200 tỷ đồng, khách hàng là bà con dân tộc thiểu số, liệu chị có gánh nổi việc nhà, đảm việc nước dài lâu? Nhưng rồi, mọi băn khoăn của chúng tôi tan biến trong chuyến đi thực tế xuống bản làng để “mục sở thị” bà con các dân tộc ở Kỳ Sơn sử dụng đồng vốn vay của NHCSXH?

Rất thú vị, trước đề nghị của chúng tôi xuống cơ sở, chị Khuyên vui và nhanh nhẹn hẳn lên. Là con người của công việc, chị cảm ơn sự quan tâm của đoàn và gọi ngay Hoàng Văn Thắng - Tổ trưởng Tổ tín dụng lái xe đưa chúng tôi cùng chị xuống xã Tây Sơn - một xã giáp biên giới Việt - Lào. Trước khi đi, chị Khuyên thông báo và tế nhị thăm dò ý kiến của đoàn, rằng ô tô chỉ đến được trung tâm xã, còn muốn vào bản Lữ Hành gặp bà con người H’Mông thì phải đi xe máy tới 12km. Quyết tâm của đoàn là dù thế nào cũng đến tận nơi. Đến UBND xã Tây Sơn, Thắng gửi lại ô tô cùng đoàn đi bằng xe máy. Tôi đã có thâm niên gần 10 năm trong quân ngũ, tham gia vượt Trường Sơn trong những ngày khói lửa của chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Bây giờ, ngồi sau chiếc xe máy cà tàng của Hoàng Văn Thắng đến bản Lữ Hành vùng biên, con đường ngoằn nghèo, hết lên dốc lại xuống đèo, gập ghềnh, chênh vênh bên dốc núi, phía dưới là thung lũng hun hút, cây cối rậm rạp… khó khăn, gian khổ không kém. Chỉ có khác, ngày đó chúng tôi vai đeo ba lô, tay cầm súng, phía trước là kẻ thù xâm lược. Còn, ngày nay, chị Khuyên cùng đồng nghiệp “mang tiền Chính phủ, cho bản làng vay đủ” để đuổi “giặc” đói, nghèo.

Toát mồ hôi vật lộn với quãng đường ngắn ngủi, chúng tôi cũng đến được bản Lữ Hành. Vào nhà hộ nghèo Mùa Bá Chùa, dân tộc H’Mông, được NHCSXH huyện Kỳ Sơn cho vay tối đa 20 triệu đồng từ tháng 5/2010, thời hạn vay 3 năm để mua bò sinh sản. Tôi hỏi: “Đến nay bò của ông bà đẻ được mấy con rồi”? Ông Mùa Bá Chùa trả lời: “Ban đầu ta mua được 2 con bò sinh sản. Nhà có khóm tre, lùm cây ta chặt làm chuồng che nắng, che mưa cho chúng. Sau gần 3 năm, chúng sinh ra được 4 con bê con, nuôi nó lớn. Đến kỳ trả nợ (tháng 5/2013) ta bán đi 1 con bò, 1 con bê đủ trả cả gốc và lãi cho ngân hàng. Như vậy là ta đã có công và có lời. Nhiều người ở bản còn chăn nuôi giỏi hơn ta. Người H’Mông biết ơn Đảng, Chính phủ và NHCSXH đã cho dân bớt đói nghèo. Cán bộ Khuyên giỏi lắm, biết cả đường đi của người H’Mông “cõng” vốn về cho dân vay. Dân bản được nhờ nhiều lắm”. Gia đình Mùa Bá Chùa đã hết nghèo. Tháng 6/2013 lại được NHCSXH cho vay tiếp 30 triệu đồng trong Chương trình cho vay hộ cận nghèo. Mùa Bá Chùa khoe: “Ta lại tiếp tục nuôi bò sinh sản, giờ có cả đàn 11 con. Nhờ cán bộ khuyến nông huyện về dạy cách trồng cỏ, chăm bò sinh sản, nó lớn nhanh, con nào cũng béo tốt”.

Tác giả (người ngồi thứ ba hàng bên phải - cạnh người đứng phát biểu từ ngoài vào) trong một buổi Ngân hàng Chính sách nước CHDCND Lào thăm và làm việc với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kỳ Sơn Ảnh: Trần Giáp

Tác giả (người ngồi thứ ba hàng bên phải - cạnh người đứng phát biểu từ ngoài vào) trong một buổi Ngân hàng Chính sách nước CHDCND Lào thăm và làm việc với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kỳ Sơn
                                                                                                                                              Ảnh: Trần Giáp

Lần theo bước chân của Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vy Thị Khuyên, chúng tôi tiếp tục hành trình về bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ. Rất may, khi đoàn vừa bước chân đến nhà hộ nghèo Lương Văn Nghệ, dân tộc Thái thì cũng đúng lúc ông lùa đàn bò 5 con về chuồng. Tôi hỏi ngay: “Sao giờ này còn sớm ông đã cho đàn bò về”? Ông Nghệ không trả lời, mà chỉ ngay về phía đàn bò: “Cái cán bộ xem kìa, trời nóng nực quá tao phải lùa chúng nó về sớm kẻo chết nóng chứ không chừng”! Nhìn theo cánh tay gầy guộc, đen sạm, vạt áo kẻ sọc ướt đẫm mồ hôi tỏa mùi chua nồng, khen khét… phần nào tôi thấu hiểu cuộc sống cơ cực của người nông dân vùng biên ải dưới chân đại ngàn Trường Sơn. Theo đó, bước chân của cán bộ NHCSXH như chị Khuyên, anh Dinh, anh Thắng còn dài theo năm tháng, gian truân và vất vả… Nhưng, rất mừng họ vẫn vui vẻ và lạc quan nhờ sống giữa lòng dân, giữa niềm tin yêu của bà con các dân tộc.

Mải nói chuyện trước sân, ông Nghệ mới chợt nhớ vội mời khách vào nhà. Tôi đang thưởng thức bát nước chè xanh đặc quánh, chan chát, ngon ngọt đọng lại nơi cổ giữa chiều hè khô rát gió Lào, thì ông Nghệ đã bộc bạch câu chuyện của mình. Ông kể: “UBND huyện Kỳ Sơn xác nhận gia đình tôi là hộ nghèo. Đúng! Gia đình tôi nghèo lắm. Nghèo từ mấy đời nay. Rất may, tháng 7/2009, tôi được NHCSXH huyện Kỳ Sơn cho vay 20 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Tôi chắt bóp không dám đụng vào một xu tiền của ngân hàng, mặc dù ngày đó cả gia đình sống trong đói khổ, cái ăn chính chỉ có hạt ngô và rau rừng. Tôi quyết để giành tiền mua 2 con bò sinh sản, sau 3 năm chúng đã sinh thêm 4 con bê. Tháng 5/2012, tôi bán nửa đàn bò đã đủ trả cả gốc và lãi cho NHCSXH, sau đó, tháng 7/2012, NHCSXH huyện Kỳ Sơn cho vay tiếp 30 triệu đồng, thời hạn vay 3 năm. Hiện nay chưa đến kỳ trả nợ, vốn vay ngân hàng đang sinh sôi. Hiện, ông có 5 con bò đang trong giai đoạn phát triển tốt; 8 con lợn đen giống; trên 150 con gà đen. Chắc chắn, ngày đến hạn trả nợ không có gì khó khăn đối với gia đình ông Lương Văn Nghệ.

Có đi mới biết Kỳ Sơn. Trở về Mường Xén chúng tôi càng “thấm” lời phát biểu của Bí thư huyện ủy Vy Hải Thành, buổi chiều cuối tháng 5/2014, khi ông đến tham dự cuộc họp của NHCSXH huyện Kỳ Sơn: “Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH mà bà con các dân tộc miền núi huyện Kỳ Sơn nhiều hộ đã thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, cải thiện chất lượng và nâng cao dần mức sống của người dân, nhất là hộ nghèo và các gia đình chính sách, góp phần giảm nghèo bình quân 4 - 5%/năm. Năm 2014, cả huyện đang phấn đấu hướng tới mục tiêu giảm nghèo 5%. Huyện đang kỳ vọng sự đóng góp tích cực của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kỳ Sơn”.

Phạm Văn Đề

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác