“Phao cứu sinh” cho người nghèo

26/06/2014
(VBSP News) Vừa qua, UBND tỉnh Nam Định đánh giá hoạt động NHCSXH trên địa bàn đã phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, quy mô và chất lượng. Cụ thể, về dư nợ của đơn vị tăng nhanh, từ 207 tỷ đồng vào thời kỳ đầu thành lập (năm 2003) nay tăng lên 2.090 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi này trở thành “phao cứu sinh” đối với nhiều gia đình, giúp họ phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân mỗi năm 2%.
Có vốn trong tay, người nghèo ở Nam Định đã biết tổ chức sản xuất hiệu quả hơn

Có vốn trong tay, người nghèo ở Nam Định đã biết tổ chức sản xuất hiệu quả hơn

Kể về những ngày tạo dựng mô hình kinh tế VAC, chị Nguyễn Thị The ở thôn Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng cho rằng, nếu có quyết tâm, chịu khó và đạt nguồn vốn chính sách hỗ trợ đúng lúc thì nông dân có đủ cơ hội và điều kiện thoát cảnh nghèo khó. Cách đây 6 năm, nhà chị có lao động, đất vườn rộng nhưng thiếu vốn và chỉ quanh quẩn cấy 2 vụ lúa xong rồi chẳng biết làm thêm nghề gì kiếm thêm thu nhập. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tìm hiểu kỹ cách thức làm kinh tế, chị quyết định vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện đầu tư mua gà giống, thức ăn tổng hợp và xây dựng chuồng trại kiên cố. Chịu khó, kiên trì trong lao động, tính toán hợp lý trong kinh doanh, nên lợi nhuận từ trang trại gà của gia đình chị The ngày một tăng lên.

Đầu năm 2014, sau khi trả hết nợ cũ, chị lại được NHCSXH cho vay mới 200 triệu đồng để cùng với số tiền tích luỹ, tiết kiệm được từ chăn nuôi, chị The phấn chấn mở rộng trang trại nuôi gia cầm, bao gồm 3 dẫy chuồng nuôi gà thịt, 10 ô nuôi gà đẻ trứng trên diện tích 2.000m2, cùng 3.600m2 ao thả cá nước ngọt, gần 2.000m2 trồng cây cảnh. Hàng năm trang trại VAC đã mang lại cho gia đình chị lãi trên 400 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Chị The cho rằng, có được kết quả này là do không ngừng học tập kinh nghiệm kỹ thuật, chăn nuôi, quan trọng hơn cả là phải có sự hỗ trợ của Chính phủ về nguồn vốn chính sách thì việc đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa và mô hình trang trại mới đạt được hiệu quả.

Ông Vũ Ngọc Nghinh - Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Nam, cho biết: Hiện dư nợ các Chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt khoảng 20 tỷ đồng; nguồn vốn này đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh cho các hộ dân vùng biển chúng tôi, cụ thể đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã từ 12% năm 2011 xuống còn 9,7% năm 2013, thúc đẩy việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Khác với trường hợp gia đình chị The, ông Đoàn Xuân Quang ở xóm Đồng Lạc, xã Nam Phong, TP. Nam Định đã sử dụng 20 triệu đồng vốn vay ưu đãi để thâm canh vườn quất cảnh. Dịp tết vừa qua, 400 cây quất của ông đã mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, gia đình ông thoát khỏi diện hộ cận nghèo. Niềm vui của gia đình ông còn được nhân lên nhiều lần khi người con trai lớn Đoàn Xuân Vinh được tiếp sức bởi 32 triệu đồng từ Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên giúp anh yên tâm học giỏi. Sau khi tốt nghiệp ra trường, bác sỹ trẻ Đoàn Xuân Vinh được nhận công tác tại trường Đại học Y Hà Nội và đã giúp gia đình hoàn trả đầy đủ, trước kỳ hạn số tiền vay NHCSXH.

Không chỉ là tấm gương sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi hiệu quả, sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Quang còn là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xuất sắc. Trong 10 năm làm Tổ trưởng, ông Quang cho biết chưa có hộ nào chậm nợ phân kỳ, hay nợ quá hạn và lãi tồn đọng. Mặt khác, tổ của ông luôn tiến hành bình xét công khai, dân chủ, đảm bảo đúng đối tượng, nguồn vốn được giải ngân kịp thời, theo nhu cầu và dự án khả thi của các hộ vay vốn, nên chất lượng tín dụng được đảm bảo. Hiện tổ của ông Quang có dư nợ với NHCSXH trên 700 triệu đồng với 29 thành viên vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả rõ rệt.

Ngày nay, trên các làng quê của tỉnh Nam Định có rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách; trong đó, hơn 60 hộ đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống, kinh tế khá giả như chị The ở miền biển Nghĩa Hưng, hay ông Quang ở ngoại ô thành Nam. Với kết quả trên đủ thấy rằng NHCSXH tỉnh Nam Định được thành lập và hoạt động hơn một thập kỷ qua đã thực sự là “phao cứu sinh” giúp người nghèo có việc làm, thu nhập, ổn định đời sống, góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, an ninh trật tự chính trị trên địa bàn.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác