Vào đúng đợt nắng nóng đầu mùa hạ làm cháy da, xém thịt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, chúng tôi đã có chuyến đi đến miền đất biển Nam Định - nơi có diện tích tự nhiên trên 800km2, tiếp giáp cửa biển Tiền Hải, Thái Bình và lạch trường Kim Sơn, Ninh Bình.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là huyện Giao Thuỷ, nơi mọi người quen gọi là “cánh cửa mặt tiền” của miền đất biển Nam Định, đồng thời của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, chúng tôi nhận thấy cả miền đất này chuyển động, thay đổi diện mạo, không còn cảnh những ao đầm sình lầy, hoang hóa như 10 năm trước. Thực tế hơn một thập kỷ qua, với 10 cán bộ nhân viên NHCSXH huyện Giao Thuỷ đã lăn lộn, nhiệt tình chuyển tải trên 260 tỷ đồng của 8 chương trình tín dụng ưu đãi đến khắp làng quê của 22 xã, thị trấn miền đất biển, cho vay đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách để phát triển sản xuất ổn định cuộc sống (ảnh 1, 2, 3, 4 và 5).
Ông Mai Văn Toan - Chủ tịch Hội CCB xã Giao Long (ảnh 6) sôi nổi nói với chúng tôi: “Mới đó thôi, cái nghèo và sự túng thiếu cứ đeo bám từng nhà dân, khắp xóm, làng chài “mặt tiền” của miền đất biển Giao Thuỷ nay đã bị lùi vào dĩ vãng bởi được sự giúp đỡ của Nhà nước, của các cấp, các ngành trong tỉnh cùng với kết quả đầu tư của các chương trình, dự án, trong đó đáng kể đến tác dụng thiết thực của những nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH (ảnh 7).
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Khảm ở xóm 1, xã Giao Long trước đây còn gặp khó khăn về kinh tế, nhưng nhờ có 2 lần được vay vốn ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, lần đầu vào năm 2008, gia đình ông được vay 20 triệu đồng, lần 2 (năm 2012) được vay 100 triệu đồng, đã trở nên khá giả, đạt danh hiệu thi đua “nông dân sản xuất giỏi” cấp tỉnh (ảnh 8).
Ngày nay, cùng với ông Khảm, ở nơi “mặt tiền” miền đất biển Giao Thuỷ, đã có hàng trăm hộ dân nhờ sự tiếp sức của NHCSXH nên thoát nghèo bền vững, cuộc sống ấm no, sung túc (ảnh 9, 10 và 11).
Rời nơi “cánh cửa, mặt tiền” của miền biển thành Nam, chúng tôi đi tiếp tới huyện Nghĩa Hưng, vùng quê có đông đồng bào thiên chúa giáo sinh sống và giàu có tiềm năng của biển bạc phía bắc của Tổ quốc. Được biết, cũng như ở Giao Thuỷ, chính quyền và các hội, đoàn thể các cấp ở huyện Nghĩa Hưng đã phối hợp khá nhịp nhàng, chặt chẽ với NHCSXH thực hiện công tác bình xét, lựa chọn hộ vay vốn ưu đãi công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đúng quy trình; tích cực hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả và nộp lãi, trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn. Nhờ vậy, mấy năm qua, miền đất biển Nghĩa Hưng liên tiếp trúng mùa đánh bắt, nuôi trồng hải sản, đồng ngô ruộng lúa cũng năng suất bội thu, người dân no đủ, có thêm việc làm, nhất là con em nông dân, ngư dân, giáo dân yên tâm học tập tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề (ảnh 12 và 13).