Thật hiếm thấy địa phương nào có được “vị trí độc đáo” như tỉnh Hưng Yên. Miền đất bằng phẳng, trù phú bên hữu ngạn sông Hồng, xưa vốn là nơi “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, nay là cửa ngõ Đông Nam của thủ đô Hà Nội, nối khu tam giác công nghệ sầm uất, hiện đại Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Ấy mà Hưng Yên “đất chật, người đông”, toàn tỉnh có 923km2 và trên 1,1 triệu người vẫn là một tỉnh thuần nông, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn nghèo khó. Vì vậy, ngay từ khi thành lập đến nay, NHCSXH tỉnh Hưng Yên luôn đón nhận sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, hội, đoàn thể, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt của hộ nghèo, hộ cận nghèo (ảnh 1, 2 và 3).
Trải qua hơn một thập kỷ xây dựng và hoạt động, NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, xây dựng tổ chức bộ máy điều hành tinh gọn, tạo nguồn lực tinh thông với 96 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng, chiếm 88,6% số cán bộ, viên chức toàn tỉnh. Chính lực lượng chủ công này đã thực hiện thu nợ, giải ngân nguồn vốn ưu đãi thông qua 3.819 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 161 Điểm giao dịch tại tất cả các xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành phố trên địa bàn Hưng Yên (ảnh 4, 5, 6 và 7).
Ngày nay, với số tiền trên 1.941 tỷ đồng nguồn vốn ưu đãi cho vay, NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã góp phần giúp trên 35.252 lượt hộ thoát nghèo, 136.700 lao động nông thôn có việc làm, 85.177 lượt hộ gia đình vay vốn xây dựng 157.042 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đặc biệt, nông dân vùng quê nhãn lồng Hưng Yên không chỉ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả mà còn có ý thức trả nợ, nộp lãi rất cao, góp phần để NHCSXH tỉnh đạt thành tích “lọt vào Top các tỉnh” có nợ quá hạn thấp nhất trong hệ thống, với 0,07%/tổng dư nợ. Các Phòng giao dịch huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, nhiều năm liền không có nợ quá hạn.
Vào một ngày nắng mới, giữa mùa hoa nhãn nở đầy, ong bay từng bầy thi nhau hút mật, nhà báo Đông Dư - cộng tác viên thông tin tuyên truyền của NHCSXH cùng với phóng viên Tuấn Ngọc - VBSP News đã về với tỉnh Hưng Yên, trực tiếp ghi được những hình ảnh sống động của một số hộ gia đình vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, xóa nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Đây, hộ ông Trịnh Văn Quỳnh nằm trong vùng nhãn lồng nổi tiếng lưu niên nhất ở thôn Lễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên. Đông con, cuộc sống gia đình ông Quỳnh trước kia thuộc diện khó khăn. Từ 20 triệu đồng vay của NHCSXH, ông đã xây dựng mô hình kinh tế trang trại VAC tổng hợp với 200 gốc cây nhãn lồng, 300 thùng ong mật, và 100m2 mặt nước thả cá trắm đen; hiện tại vườn cây, con vật nuôi đã cho thu nhập ổn định, gia đình ông Quỳnh đã thoát nghèo và đạt danh hiệu “nông dân sản xuất giỏi ở khu vực phía Bắc” (ảnh 8, 9 và 10).
Đây nữa, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình cho vay hộ cận nghèo, rất nhiều hộ dân như anh Trần Quốc Đạt ở khu phố An Đồng, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên đã mua lợn nái, bò sữa về chăm sóc, phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo (ảnh 11, 12).
Vợ chồng anh Lê Văn Thiện, chị Nguyễn Thị Huệ ở thôn Trung Hòa, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động đã sử dụng 20 triệu đồng vay của NHCSXH cộng với tiền vay thêm họ hàng, bạn bè đã nuôi đàn vịt 1.000 con. Năm 2013 gia đình anh chị thu lãi trên 80 triệu đồng, hoàn trả nợ vay cho ngân hàng và dự định vay thêm vốn chính sách mở rộng quy mô nuôi vịt thương phẩm (ảnh 13).
Cũng ở thôn Trung Hòa, xã Phú Thịnh rất nhiều hộ cận nghèo như chị Vũ Thị Thành, Đặng Thị Kim, Nguyễn Thị Hoàn được NHCSXH tiếp sức nên đã khôi phục, phát triển ngành nghề nông thôn như trồng nấm, sản xuất thủ công mây tre đan, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, làm nhà theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… (ảnh 14, 15, 16 và 17).
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Vinh, huyện Kim Động cho biết: Toàn xã đến nay có gần 800 hộ vay vốn ưu đãi của NHCSXH, trong đó tiêu biểu có 2 cơ sở được vay đến 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để đầu tư mở cơ sở làng nghề cho người khuyết tật trong vùng và mở rộng xưởng sản xuất hương thơm, thâm canh vườn nhãn, bưởi đặc sản. Cụ thể là ông Tạ Văn Lợi 58 tuổi ở thôn Tây Thịnh, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, đã từ 100 triệu đồng vay của NHCSXH làm sinh lợi gần 400 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động với mức lương bình quân 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng (ảnh 18, 19).
Một mùa hoa nhãn lại nở đầy vườn, sông Hồng cứ chở nặng phù sa bồi đắp các làng quê đôi bờ. 96 cán bộ của NHCSXH tỉnh Hưng Yên vẫn tháng ngày hối hả chuyển nhanh nguồn vốn ưu đãi đến tận nơi các hộ nghèo, cận nghèo để sản xuất, kinh doanh… góp phần cho vùng đất giữa đồng bằng Bắc Bộ chuyển mình, vươn lên hòa nhịp đổi mới của đất nước.