Hậu Giang sắp xếp Tổ tiết kiệm và vay vốn để nâng cao chất lượng tín dụng

26/06/2014
(VBSP News) Để chất lượng tín dụng các chương trình cho vay ưu đãi phát huy hiệu quả, góp sức cho công cuộc giảm nghèo của tỉnh Hậu Giang ngày càng đạt mục tiêu đề ra, hiện, NHCSXH tỉnh cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn đang kiện toàn, sắp xếp lại các tổ cho liền canh, liền cư để việc quản lý nguồn vốn đạt hiệu quả cao hơn.
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Hậu Giang dự họp sắp xếp Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn ấp Phú Trí B, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành

Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Hậu Giang dự họp sắp xếp Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn ấp Phú Trí B, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành

Trong thời gian qua, các Tổ tiết kiệm và vay vốn của các hội, đoàn thể luôn là “cánh tay nối dài” đồng hành cùng NHCSXH tỉnh Hậu Giang trong suốt chặng đường cho vay để tiếp sức hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi tích cực, hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn vẫn gặp khó khăn trong công tác quản lý nguồn vốn vay, đặc biệt trong khâu quản lý hội viên vay vốn còn khó khăn, do hội viên không được liền canh, liền cư làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tín dụng chung.

Theo ông Trần Thành Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: những tháng đầu năm, kể cả nguồn vốn và dư nợ cho vay của NHCSXH tỉnh Hậu Giang tăng, đã đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách vay vốn, trong đó thực hiện tốt giảm tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, vướng mắc kéo dài dẫn đến tình trạng nợ quá hạn tồn đọng kéo dài, gây ra những vướng mắc phát sinh vay ké, chiếm dụng vốn. Vì vậy, chi nhánh cần tiếp tục thực hiện việc củng cố các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để nâng cao chất lượng tín dụng và hiệu quả đồng vốn.

Ông Nguyễn Thanh Triều - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Trước đây, các Tổ tiết kiệm và vay vốn quản lý hội viên theo địa bàn từng ấp, khu vực. Có tổ, nhà của hội viên nằm trải dài trên 2km, dẫn đến tình trạng bị dàn trải, đôi lúc thông tin hai chiều giữa tổ viên với Tổ trưởng không được thường xuyên, từ đó việc họp bình xét cho vay, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn, thu lãi gặp khó khăn. Trước những khó khăn đó, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa đạt hiệu quả cao. Xuất phát từ những khó khăn nêu trên, chi nhánh có chủ trương tiếp tục kiện toàn lại các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo phương thức quản lý theo tổ tự quản. Thay đổi cách quản lý này, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các tổ, sắp xếp các tổ liền canh, liền cư sẽ thuận lợi cho Ban quản lý tổ cũng như các tổ viên. Hiện tại, khoảng cách mỗi tổ bình quân từ 500 - 800m, đã rút ngắn khoảng cách so với trước đây trên 1km. Hiện nay, chi nhánh cùng Phòng giao dịch các huyện đang tiến hành kiện toàn, sắp xếp lại tất cả các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các huyện, thị, thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Liên, tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Phú Trí B, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, cho biết: “Việc sắp xếp lại các tổ đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ viên trong tổ. Đối với tôi, khi có những việc cần sự hỗ trợ của Tổ trưởng luôn được giải đáp kịp thời và việc đi lại đóng lãi vay cũng thuận lợi hơn trước”.

Hiệu quả thiết thực sau gần 2 tháng sắp xếp lại tổ, bà Huỳnh Ngọc Lệ - Trưởng ấp Phú Trí B kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, nhận xét: hiện tại, trong tổ có 43 hội viên, trong đó có 14 hội viên được sắp xếp lại cho liền canh, liền cư. Sau khi sắp lại tổ, những buổi sinh hoạt được dễ dàng hơn, thu lãi đúng kỳ quy định. Ngoài ra, các hội viên đều là hàng xóm với nhau, nên hiểu được từng hoàn cảnh của nhau, nhờ đó việc hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau thoát nghèo gặp thuận lợi hơn. Vừa qua, các hội viên đã giúp nhau bằng cách, những hộ nào có giống cây trồng tốt, năng suất cao, thì cho các hộ khác tự chiết mang về nhà trồng mà không lấy tiền cây giống. Với sự hỗ trợ này, đã giúp khoảng 10 hội viên trong tổ cây trồng, với diện tích chuyển đổi gần 2.000m2.

Huyện Phụng Hiệp là đơn vị được kiện toàn, sắp xếp Tổ tiết kiệm và vay vốn hoàn thành 15/15 xã. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc NHCSXH huyện, nhận xét: Sau khi sắp xếp lại các tổ, công tác kiểm tra sử dụng nguồn vốn được chặt chẽ và thu lãi đạt hiệu quả cao. Như trước đây, thu lãi chỉ đạt từ 70 - 80%, sau khi sắp xếp, tổ thu lãi đạt trên 96%. Bên cạnh đó, các mô hình làm ăn hiệu quả được triển khai, nhân rộng trong tổ viên nhanh chóng và công tác vận động tổ viên gửi tiền tiết kiệm thuận lợi, đã thu hút trên 80% tổ viên trong các tổ gửi tiền tiết kiệm.

Trước đây, huyện Long Mỹ là đơn vị có nợ quá hạn chiếm tỷ lệ cao nhất so với các đơn vị trên địa bàn tỉnh, nhưng sau khi sắp xếp lại tổ, thì dư nợ thay đổi, nợ quá hạn ở mức giảm dần, tỷ lệ thu lãi tăng lên, ông Phạm Công Thảo - Giám đốc NHCSXH huyện Long Mỹ nhận xét như vậy. Theo ông Thảo, thời gian đầu mới sắp xếp tổ, do tổ viên chưa quen với sự thay đổi mới, nên hoạt động các tổ có không ít khó khăn. Bây giờ, các tổ đã đi vào nề nếp, hoạt động rất tốt. Hiệu quả thấy rõ nhất đối với 4 xã, thị trấn đã hoàn thiện việc sắp xếp tổ như Vĩnh Viễn, Lương Nghĩa, Lương Tâm và thị trấn Long Mỹ, đến nay việc thu lãi vay rất dễ, chỉ cần 1 - 2 ngày là hoàn tất. Nhờ có sự chuyển biến tích cực đã giúp huyện Long Mỹ giảm được tỷ lệ nợ quá hạn xuống đáng kể, chỉ còn 1,97%. Hiện nay, huyện Long Mỹ đang tiếp tục sắp xếp lại tổ ở xã Long Phú và Long Trị.

Trên toàn địa bàn tỉnh Hậu Giang có 2.329 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó có trên 62% tổ hoạt động tốt. Đến nay, việc sắp xếp các Tổ tiết kiệm và vay vốn được hoàn thành 100% là huyện Phụng Hiệp; các huyện còn lại đang khẩn trương thực hiện việc sắp xếp các tổ và dự kiến trong quý IV/2014 sẽ hoàn thành việc sắp xếp các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 6 huyện, thị xã, thành phố.

Bài và ảnh Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác