Điểm tựa vươn lên của hộ cận nghèo

26/06/2014
(VBSP News) Tuy Chương trình cho vay hộ cận nghèo mới triển khai ở Cần Thơ hơn 1 năm nay nhưng hiệu quả đã thấy rõ. Nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, đang làm giàu từ đồng vốn vay ưu đãi này...
Nhiều hộ cận nghèo đang làm giàu từ đồng vốn vay ưu đãi

Nhiều hộ cận nghèo đang làm giàu từ đồng vốn vay ưu đãi

“Có nhiều hộ cận nghèo trước đây loay hoay không biết vay vốn ở đâu khi họ không thuộc diện hộ nghèo nữa, thì nay đã được đáp ứng nhu cầu vốn để vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Trịnh Quốc Toàn - Giám đốc NHCSXH huyện Thới Lai, chia sẻ.

Mỗi năm 3 hộ thoát nghèo

Chị Phạm Thị Cẩm Lài ở ấp Trường Ninh, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, chia sẻ: “Nhà tôi trước cũng nuôi heo nhưng chỉ nuôi cầm chừng do không có vốn. Từ khi được NHCSXH cho vay 7 triệu đồng gia đình tui có tiền mua heo giống và xây chuồng đàng hoàng. Giờ mỗi lứa heo nái đẻ khoảng 15 con, tôi vừa bán heo giống vừa bán heo thịt. Đợt vừa rồi, tôi mới bán 10 con heo giống, mỗi con giá 1,1 triệu đồng, còn bán heo thịt lãi được gần 6 triệu đồng. Sắp tới tôi sẽ bán 2 con heo thịt nữa, ít nhất cũng lãi gần 4 triệu đồng”, chị Lài bộc bạch.

Ông Võ Văn Nạp - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Trường Ninh cho biết: “Toàn tổ có 35 hội viên, tất cả các hội viên đều được vay vốn NHCSXH, trong đó có nhiều hộ được vay chương trình cận nghèo. Từ vốn vay ưu đãi, mỗi năm tổ của tôi có 2 - 3 hộ thoát nghèo”.

Sau 2 năm lãi cao

“Hiện tui trồng 75 gốc thanh long ruột đỏ, khoảng 1 tuần nữa là cho thu hoạch vụ đầu, giá mua tại vườn khoảng 35.000 đồng/kg. Ước tính, khoảng 2 năm sau là tui hoàn vốn và có lãi”, ông Đinh Văn Đắc.

Cũng là một hộ cận nghèo được vay vốn của NHCSXH, ông Đinh Văn Đắc ở ấp Trường Khương A, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai phấn khởi nói: “Gia đình tui được vay 10 triệu đồng để đầu tư trồng thanh long ruột đỏ. Đây là một mô hình có nhiều tiềm năng phát triển nhưng nặng vốn đầu tư ban đầu, lúc mới bắt đầu tui cũng băn khoăn không biết lấy tiền từ đâu. Cũng nhờ có nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo mà những hộ như gia đình tui mới dám làm”, ông Đắc cho biết: “Hiện tui trồng 75 gốc thanh long, khoảng 1 tuần nữa là thu hoạch vụ đầu, giá mua tại vườn là khoảng 35.000 đồng/kg. Tui ước tính, khoảng 2 năm sau là tui hoàn vốn và có lãi cao”. Ông Nguyễn Văn Thượng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân B, chia sẻ: “Mô hình trồng thanh long ruột đỏ do Hội Nông dân phát động bà con làm, tận dụng vườn tạp, đất trống quanh nhà. Đây là mô hình có tính hiệu quả lâu dài, tuy nhiên cần có đầu tư về vốn. Ấp Trường Ninh có 22

hộ đang trồng thanh long ruột đỏ, trong đó có rất nhiều hộ nhận được vốn vay từ NHCSXH theo Chương trình cho vay hộ cận nghèo”.

Anh Huỳnh Hoàng Phong - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng NHCSXH TP. Cần Thơ cho biết: “Trong năm 2014, chi nhánh được phân bổ 70 tỷ đồng Chương trình cho vay hộ cận nghèo. Từ đầu năm đến ngày 31/5, chi nhánh đã cho vay 10.910 hộ với số tiến 146,285 tỷ đồng; dư nợ của chương trình cho vay này đạt 352,354 tỷ đồng, với 28.537 hộ còn dư nợ. Đây là Chương trình cho vay có tốc độ tăng trưởng dư nợ cao”.

Bài và ảnh Chúc Ly

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác