Sống chung với thiên tai
Từ chòi phòng tránh lũ, lụt
Cách đây hơn 1 năm (tháng 4/2013), tại tỉnh Phú Yên, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung theo Quyết định 716/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 716), Chương trình đã triển khai thí điểm xây dựng chòi phòng tránh lũ cho 700 hộ nghèo tại 7 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên (mỗi tỉnh 2 xã, mỗi xã 50 hộ nghèo do địa phương lựa chọn). Tiêu chí khi xây dựng chòi phòng tránh lũ là phải có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt tại vị trí xây dựng. Diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2. Các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố. Giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/chòi. Mỗi hộ nghèo được ngân sách Trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng; vay vốn ưu đãi từ NHCSXH 10 triệu đồng; ngoài ra, các hộ huy động nguồn vốn khác từ cộng đồng và đóng góp của hộ gia đình với mức tối thiểu 10 triệu đồng/hộ.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định: mặc dù sự hỗ trợ của Nhà nước còn khiêm tốn, tuy nhiên các địa phương đã tích cực huy động thêm sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng và đóng góp của hộ gia đình, nên các chòi phòng tránh lũ, lụt đều đảm bảo và vượt quy mô diện tích, chất lượng quy định. Mô hình nhà chòi chủ yếu để người dân ở tại chỗ, tránh lũ lụt an toàn nên rất phù hợp với thực tế, được người dân đồng tình ủng hộ. Thủ tướng chỉ đạo: hỗ trợ nhà ở cho người nghèo cũng như hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở ứng phó với lũ lụt là một trong những chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, cần tiến hành triển khai trên diện rộng việc hỗ trợ hộ nghèo xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt để đảm bảo cuộc sống an toàn, ổn định cho người dân.
Đến nhà ở phòng, tránh bão
Khu vực duyên hải miền Bắc và miền Trung có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng - an ninh của đất nước. Nhưng, do đặc điểm về địa lý và điều kiện tự nhiên khu vực này thường xuyên xảy ra thiên tai, bão, lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân, đặc biệt thiệt hại về nhà ở…
Rút kinh nghiệm Chương trình 716, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão cho hộ nghèo khu vực duyên hải miền Bắc và miền Trung. Theo đó, trên 86.000 hộ nghèo trong vùng cần được hỗ trợ với tổng số tiền trên 2.413 tỷ đồng. Số tiền này nhằm hỗ trợ xây dựng nhà ở cho những hộ nghèo chưa có nhà hoặc đang ở nhà đơn sơ, tạm bợ, hỗ trợ sửa chữa, gia cố nhà ở đã có đối với những hộ nghèo sống trong những ngôi nhà dễ bị hư hỏng, tốc mái khi có bão. Các hộ này đang cư trú tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực duyên hải miền Bắc và miền Trung, từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo tính toán, để xây dựng căn nhà tối thiểu 24m2, chất lượng đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung tường cứng, mái cứng), mái bằng hoặc mái chảy nhưng được gia cố chắc chắn để chống tốc mái khi bão, thì giá thành 2 triệu đồng/m2 (khoảng 48 triệu đồng/căn nhà). Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề nghị: ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1/3 giá thành căn nhà (16 triệu đồng/hộ). Tại vùng khó khăn, phải tốn nhiều chi phí vận chuyển vật liệu, ngoài mức hỗ trợ theo quy định chung, đề nghị hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/hộ từ ngân sách Nhà nước. Về mức vay, Bộ Xây dưng phân thành 2 nhóm đối tượng:
- Hộ thuộc đối tượng xây dựng nhà ở mới, đề nghị cho vay ưu đãi tối đa 16 triệu đồng/hộ (khoảng 1/3 giá thành căn nhà) từ NHCSXH.
- Đối với hộ không ở nhà đơn sơ, tạm bợ nhưng nhà ở chưa đảm bảo yêu cầu phòng, tránh bão phải thực hiện sửa chữa, gia cố đế đảm bảo khả năng phòng tránh bão (ước tính mất 12 triệu đồng/nhà 24m2), thì cho vay ưu đãi tối đa 8 triệu đồng/hộ. Lãi suất vay 3%/năm, thời hạn vay 10 năm, trong đó có 3 năm ân hạn. Thời gian trả nợ tối đa 5 năm, bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ tối thiểu 20%/năm tổng số vốn đã vay. Ngoài mức hỗ trợ và mức vay, sẽ huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng và tham gia đóng góp của hộ gia đình với mức 16 triệu đồng/hộ đối với nhưng hộ xây dựng mới nhà ở và khoảng 4 triệu đồng/hộ đối với những hộ sửa chữa, gia cường nhà ở.
Dự kiến đề án thực hiện trong 3 năm (2014 - 2016), trong đó, năm 2014 hỗ trợ 20% số hộ thuộc đối tượng; năm 2015 là 40%, còn lại thực hiện trong năm 2016. Từ Chương trình 716, thí điểm xây dựng chòi phòng, tránh lũ, lụt đến… đề án hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão cho hộ nghèo vùng duyên hải là một bước tiến mới. Ý Đảng hợp với lòng dân. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là hộ cận nghèo để mọi người dân thêm điều kiện sống chung với thiên tai.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Tín dụng chính sách - giàu tính nhân văn
- » Hiệu quả từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm ở Thái Bình
- » Chuyển biến ở Phúc Chu
- » Điểm tựa vươn lên của hộ cận nghèo
- » Hậu Giang sắp xếp Tổ tiết kiệm và vay vốn để nâng cao chất lượng tín dụng
- » “Phao cứu sinh” cho người nghèo
- » “Chìa khóa” giúp người dân mở cánh cửa thoát nghèo
- » Giúp dân thoát nghèo, làm giàu
- » Ngày vui cho những người nghèo