Tín dụng chính sách - giàu tính nhân văn

27/06/2014
(VBSP News) Gia Lai là tỉnh miền núi với 45% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là Jrai và Bahnar, điểm xuất phát thấp, trình độ mọi mặt hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, nhất là bà con ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vốn hỗ trợ bà con giảm nghèo, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống.

(ảnh) Tín dụng chính sách - giàu tính nhân văn

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Gia Lai thì trong các nguồn lực đầu tư phải kể đến nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH triển khai thực hiện tại tỉnh Gia Lai cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Thành quả đạt được cho thấy tầm quan trọng của kênh dẫn vốn phục vụ giàu tính nhân văn. Cho đến nay, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách được NHCSXH tỉnh Gia Lai thực hiện đạt trên 2.600 tỷ đồng với trên 150 nghìn hộ dư nợ. Nguồn vốn đã giúp trên 200 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 20 nghìn lao động, giúp trên 60 nghìn học sinh, sinh viên vay vốn để trang trải chi phí học tập, xây dựng trên 40 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Vốn tín dụng đã góp phần đáng kể kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh, giúp trên 70 nghìn hộ vay vốn thoát nghèo, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Riêng cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, NHCSXH tỉnh Gia Lai đã triển khai tích cực tới các huyện, nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Đến năm 2014, chỉ tiêu kế hoạch là 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi nhánh đã triển khai cho vay vốn để sửa chữa, cải tạo các công trình hiện có và nâng mức vay tối đa từ 4 triệu đồng/công trình/hộ vay lên 6 triệu đồng/công trình/hộ vay, bắt đầu thực hiện từ ngày 01/5/2014. Chi nhánh đã báo cáo UBND tỉnh, chủ động tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh phân bổ nguồn vốn đến các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời triển khai cho vay. Trong quá trình triển khai, Phòng giao dịch NHCSXH các huyện tham mưu cho Trưởng Ban đại diện ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các xã còn nhiều hộ chưa có công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia. Chi nhánh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay theo hình mẫu phù hợp với từng địa phương và tiêu chuẩn quốc gia; phối hợp với các hội, đoàn thể xây dựng kênh dẫn vốn thông suốt đến các xã, người dân và thực hiện giải ngân trực tiếp đến tay người vay, kiểm tra, kiểm soát sử dụng vốn vay.

Là một trong những hộ thụ hưởng chương trình, ông Brech ở Pleiku Tiêng, xã Tân Sơn, TP. Pleiku, nói: “Trước đây gia đình dùng nước bẩn, mùa khô cạn kiệt, không đảm bảo vệ sinh, nhiều người trong làng mắc bệnh đường ruột, mắt đỏ và nhiều bệnh khác nữa. Nhưng từ khi được vay vốn, nhiều gia đình đã xây dựng giếng nước, sử dụng nước vệ sinh, thuận lợi”.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Sơn Phạm Phụng phấn khởi cho biết: Xã có 1.236 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Jrai là 291 hộ. Trước Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, bà con trong xã đã quan tâm tìm hiểu và tích cực vay vốn xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh. Đến nay, dư nợ cho vay tại xã đạt 1,7 tỷ đồng, với 231 hộ vay, trong đó có 91 hộ dân tộc thiểu số. Đánh giá về hiệu quả, ông Phụng cho rằng: Cho vay xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh rất thiết thực. Bởi, thứ nhất là giải quyết vấn đề vốn cho dân; thứ hai là giúp họ bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống; thứ ba là chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ bởi ý nghĩa nhân văn của nó; thứ tư là góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Với Gia Lai sau 11 năm triển khai thực hiện, Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã phát huy tốt hiệu quả và ý nghĩa, giúp nhân dân có vốn để đầu tư xây dựng mới và cải tạo lại nhiều công trình nước sạch, vệ sinh góp phần cải thiện môi trường sống, điều kiện sinh hoạt tốt hơn, nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán lạc hậu, mang lại ý nghĩa thiết thực về kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh Thất Sơn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác