Coi trọng đồng vốn ưu đãi ở vùng căn cứ kháng chiến cũ

06/07/2014
(VBSP News) Chị Nguyễn Thị Thiệp - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) khẳng định: Đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đã góp phần thiết thực, đắc lực giúp hội viên phụ nữ dân tộc miền núi có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo, hỗ trợ con em những gia đình khó khăn có kinh phí học đại học, cao đẳng... Đồng thời cũng nhờ đồng vốn ưu đãi này, Hội Phụ nữ nơi vùng căn cứ kháng chiến trước đây có được sự chuyển biến cụ thể về nâng cao chất lượng hoạt động.
Chị em phụ nữ nghèo ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam) được vay vốn cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế

Chị em phụ nữ nghèo ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam) được vay vốn cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế

Xuất phát từ những nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, lạc hậu, nhất là nguyên nhân thiếu vốn sản xuất, Hội Phụ nữ xã Điện Tiến đã đẩy mạnh công tác phối hợp với NHCSXH huyện, với các Chi bộ Đảng, Trưởng thôn triển khai công tác thực hiện nguồn vốn vay uỷ thác, tổ chức kiện toàn hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế từng thôn, bản. Đến nay, hội đã thành lập được 19 Tổ tiết kiệm và vay vốn đi vào hoạt động có hiệu quả với dư nợ uỷ thác 5,8 tỷ đồng, chiếm 51,7% tổng dư nợ toàn xã và tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,8%.

Song song đó, Hội Phụ nữ xã cũng thường xuyên kiểm tra và định kỳ việc vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi tại các chi hội, trong đó chú trọng kiểm tra quá trình triển khai vốn vay; họp tổ, thôn bình xét công khai khách quan, dân chủ, sinh hoạt các tổ tập trung việc thu lãi hàng tháng, nhắc nhở các hội viên, các khoản vay sắp đến hạn trả để có kế hoạch thanh toán đầy đủ, đúng kỳ hạn; nắm bắt kịp thời các thuận lợi, khó khăn của từng hộ vay vốn để có định hướng điểu chỉnh những vướng mắc; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành hoặc vi phạm quy chế.

Ưu điểm của Hội Phụ nữ trong công tác tín dụng chính sách là đã duy trì các buổi giao dịch tại xã, đôn đốc triển khai nguồn vốn vay ủy thác đối với các Tổ tiết kiệm và vay vốn, động viên hướng dẫn hội viên vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả. Chính nhờ Hội Phụ nữ xã đứng ra làm cầu nối giúp cho các hội viên tiếp cận thuận lợi với đồng vốn ưu đãi.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Điện Tiến cho biết thêm, chị em nào có nhu cầu về vốn có thể đề đạt nguyện vọng lên, sau đó, tiến hành bình xét, ưu tiên đề xuất với ngân hàng cho những hội viên thuộc hộ nghèo vay trước. Ở thôn Châu Bí bà con ai cũng khen ngợi chị Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Lê Thị Vân Anh đảm đang, tháo vát và làm kinh tế giỏi. Năm 2001 gia đình chị được vay 15 triệu đồng về khai phá đất đồi, mua giống keo, sơn về trồng. Không dừng lại ở đó, gia đình chị còn mở rộng chăn nuôi bò sinh sản, nay cuộc sống của gia đình đã khá hơn trước.

Không riêng chị Vân Anh, mà mỗi năm Điện Tiến cũng có hàng trăm lượt chị em được Hội Phụ nữ tạo điều kiện và hỗ trợ hướng dẫn thủ tục vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều hộ sau khi khá giả và phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo xung quanh về tiền vốn, giống cây trồng. Năm 2013, Hội Phụ nữ xã còn hỗ trợ cho 22 chị em có hoàn cảnh khó khăn với khoản hỗ trợ thấp nhất là 600 nghìn đồng/người, cao nhất là 2,8 triệu đồng/người. “Xã Điện Tiến trở thành điển hình của toàn huyện trong phong trào phụ nữ vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Nam Lê Hùng Lam nhận xét.

Bài và ảnh Ngọc Tú

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác