“Bà đỡ” của người nghèo

09/07/2014
(VBSP News) Với hơn 30 vạn người, trong đó có 42 nghìn hội viên nông dân sinh hoạt ở 39 xã, thị trấn, 460 xóm, khu dân cư, Diễn Châu là huyện có số hội viên nông dân nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Những năm qua, các cấp Hội Nông dân ở Diễn Châu đã phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt việc ủy thác nhằm đưa đồng vốn đến tận tay người thụ hưởng, giúp cho hàng nghìn hội viên nghèo có vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Nông dân xã Diễn Thái dùng vốn vay ưu đãi mua máy tuốt lúa để sản xuất

Nông dân xã Diễn Thái dùng vốn vay ưu đãi mua máy tuốt lúa để sản xuất

Diễn Trung là xã ven biển của huyện Diễn Châu có 2.035 hộ, với hơn 10 nghìn dân, trong khi đất canh tác chỉ có 500ha, phần lớn bị bạc màu, khô hạn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Trung Trần Văn Dung cho biết: thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, bên cạnh việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT đến từng gia đình, hội đứng ra tín chấp với ngân hàng vay hơn 6 tỷ đồng cho 330 gia đình hội viên nghèo đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Tham mưu với Đảng ủy, UBND xã cho đấu thầu 60ha đất hoang hóa, ao đầm để những hộ có vốn làm kinh tế VAC. Do gieo trồng kịp thời vụ, mức đầu tư thâm canh cao, thực hiện tốt việc tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm, cho nên trong 6 năm qua, Diễn Trung được mùa lớn, hộ giàu và khá tăng mỗi năm 10%.

Tương tự như cách làm của Diễn Trung, nông dân 9 xã ven biển của huyện Diễn Châu thông qua nguồn vốn chính sách đã áp dụng thành công các biện pháp thâm canh gối vụ theo công thức: lạc xuân + vừng hè thu + ngô và rau màu vụ đông. Các loại cây trồng này được thâm canh đạt năng suất cao, vừa tạo ra hàng hóa, vừa đầu tư phát triển chăn nuôi, thu mỗi năm 10.000 tấn lạc, 12.000 tấn ngô. Nuôi hơn 40.000 con gia súc, trong đó có hơn 10.000 con bò hàng hóa. Đồng vốn của ngân hàng còn giúp cho hơn 6.000 hộ mở xưởng đan lưới dệt xăm, thu mua chế biến hải sản, làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Đối với 30 xã trọng điểm lúa với diện tích 9.200ha, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo vay, mỗi xã từ 4 - 6 tỷ đồng của NHCSXH để mua máy cày đa chức năng, máy tuốt lúa, vật tư phân bón, thóc giống. Nhờ vậy, bà con đã thâm canh mỗi năm 2 vụ lúa chiêm xuân và hè thu đạt năng suất cao. Còn vụ đông thì trồng ngô khoai trên đất ướt với diện tích 4.000ha. Hơn 5.000ha còn lại thì để lúa tái sinh, nuôi cá vụ ba. Các cấp hội tuyên truyền, vận động hội viên làm cuộc “cách mạng xanh” trên đồng ruộng bằng việc dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, làm giao thông thủy lợi, bê tông hóa kênh mương, sản xuất phân chuồng phân xanh, thực hiện thâm canh (IPM, ICM). Bằng cách làm này, cả 30 xã vùng lúa đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, xây dựng mỗi xã từ 150 - 250ha cánh đồng mẫu lớn, từ 65 - 80 mô hình VAC cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tổng sản lượng thóc đạt hơn 11 vạn tấn/năm.

Khai thác lợi thế của một địa phương có gần 8.000ha đồi núi trọc, và 3.000ha ao đầm mặt nước, hội phối hợp với Trung tâm khuyến nông, Trường dạy nghề, NHCSXH huyện tăng cường chuyển giao tiến bộ KHKT, đào tạo nghề giúp người vay sử dung vốn có hiệu quả, đúng mục đích. Thông qua nhận ủy thác vốn vay, các cấp hội đã tập hợp được nhiều hội viên, mỗi năm kết nạp khoảng 1.000 hội viên mới, trong đó có hơn 100 hội viên là giáo dân. Số hội viên làm trang trại giỏi, thu nhập từ 100 - 160 triệu đồng 1 hộ/năm lên tới 460 người. Cả 18 làng nghề và 13 làng có nghề đã thu hút hơn 3.000 hội viên vào làm việc, thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng người/tháng. Đó là chưa kể hơn 14.000 gia đình hội viên “ly nông bất ly hương” nhờ vốn vay ưu đãi để làm dịch vụ thương mại, buôn bán nhỏ, cho thu nhập gấp 5 lần trồng lúa.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu Nguyễn Văn Viên quả quyết khẳng định: đồng vốn chính sách là “bà đỡ” cứu cánh cho dân nghèo.

Bài và ảnh Lê Hoài Thung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác