Đồng Hỷ thoát nghèo nhờ cây chè

11/07/2014
(VBSP News) Với khoảng 2.700ha, đứng thứ hai về quy mô diện tích trong tỉnh, cây chè ở huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) tạo công ăn việc làm cho khoảng 50% dân số toàn huyện. Hiện nay, nhiều mô hình vươn lên thoát nghèo nhờ cây chè đang tạo sức lan tỏa, đem lại thu thập ổn định cho người dân. Đặc biệt, nhiều hộ trước đây khó khăn về nguồn vốn đã được NHCSXH, chi nhánh tỉnh Thái Nguyên cho vay để thoát nghèo.
Cây chè mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Đồng Hỷ

Cây chè mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Đồng Hỷ

Cùng với các cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Đồng Hỷ vượt qua hơn chục cây số, chúng tôi đến xã Minh Lập. Đây là một trong những xã nổi tiếng với thương hiệu chè Trại Cài. Tay bắt mặt mừng, ông Lê Đình Tấn - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Trại Cài 1 cho biết, chè Trại Cài có tiếng ở Thái Nguyên, hầu như nhà nào cũng trồng chè và cây chè ở đây còn được gọi là cây thoát nghèo.

Hiện nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm Trại Cài 1 có 53 tổ viên, số dư nợ vay NHCSXH là 930 triệu đồng, trong đó các hộ gia đình chủ yếu vay vốn để chăm sóc, cải tạo cây chè. Bên chén trà ngon của đặc sản quê hương, ông Lê Đình Tấn tâm sự, trước đây điều kiện kinh tế của nhiều hộ còn khó khăn nên người dân chủ yếu hái chè rồi bán luôn cho các doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, nhiều hộ trong xã đã có cả máy sao chè nên giá trị gia tăng của cây chè cao hơn trước. Trong đó, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đóng vai trò khá quan trọng, giúp người dân mạnh dạn hơn trong việc sản xuất, giảm nghèo.

Là một trong những hộ trồng chè lâu năm ở xã Minh Lập, gia đình chị Nguyễn Thị Hương cũng đã được tiếp cận vốn vay của NHCSXH. “Năm 2011, thông qua Hội Nông dân tôi biết NHCSXH cho vay vốn ưu đãi hộ nghèo nên đã làm hồ sơ và được ngân hàng cho vay 20 triệu đồng. Cùng với số tiền tích lũy được gia đình đã mở rộng thêm 2 sào chè và vươn lên thoát nghèo”, chị Hương tâm sự. Hiện gia đình chị Hương có 8 sào chè. Mỗi tháng thu hoạch được 1 tạ chè khô. Nếu trừ đi các chi phí thì thu nhập từ cây chè của gia đình chị Hương khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Ngoài trồng chè, gia đình chị Hương còn trồng được 2 sào lúa và 2 sào ngô để phục vụ lương thực cho gia đình. Với sự cần cù chịu khó, sự hỗ trợ vốn của NHCSXH, gia đình chị Hương là một trong những điển hình về thoát nghèo của xóm Trại Cài 1 trong năm 2013.

Cũng ở thôn Trại Cài 1, gia đình bà Phan Thị Bình là hộ vươn lên thoát nghèo hiệu quả nhờ vốn vay của NHCSXH. Chồng mất sớm, một mình bà Bình bươn chải nuôi cô con gái duy nhất. Nay bà Bình đã có hai cháu ngoại và câu chuyện thoát nghèo của bà luôn khiến mọi người nể phục. Thế nhưng, người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi này rất khiêm tốn khi kể về mình: “Cùng với nỗ lực của bản thân thì nguồn vốn của NHCSXH mà tôi tiếp cận được từ năm 2011 có ý nghĩa quan trọng. Với 3 sào chè, hiện nay thu nhập của gia đình cũng khoảng 4 triệu đồng/tháng. Chúng tôi đã thoát nghèo khá bền vững”.

Nguồn vốn ưu đãi đến tận tay đối tượng thụ hưởng

Nguồn vốn ưu đãi đến tận tay đối tượng thụ hưởng

Ông Lê Đình Tấn chia sẻ, trước đây ở xã Minh Lập cũng có khá nhiều hộ dân trồng cây nhãn, xoài hay vải, nhưng thường bị mất mùa. Do vậy, nhiều người đã chuyển sang trồng chè và thấy hiệu quả cao hơn rõ rệt. Chẳng hạn như  xóm Trại Cài 1 có tổng số 135 hộ thì hầu hết đều trồng chè. Nhờ chuyển sang thâm canh cây chè và được NHCSXH hỗ trợ vốn ưu đãi, hiện nay cả thôn chỉ còn 9 hộ nghèo, giảm 26 hộ so với cách đây 1 năm.

Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh Thái Nguyên, hiện tổng dư nợ cho vay đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã đáp ứng nhu cầu vốn cho 30.601 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh (trong đó có khá nhiều hộ vay trồng cây chè đặc sản); xây dựng được 10.776 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tạo việc làm ổn định cho 1.160 lao động… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 của tỉnh Thái Nguyên giảm 2,16% so với năm 2012; tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống cho hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh; cải thiện đời sống của người nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Bài và ảnh Đức Nghiêm - Trần Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác