Huyện Duyên Hải có hơn 12 nghìn hộ được vay vốn ưu đãi

15/07/2014
(VBSP News) Duyên Hải là huyện đồng bằng ven của tỉnh Trà Vinh. Với diện tích tự nhiên 38.405ha, trong đó có 25.405ha đất nông nghiệp, gần 4.000ha trồng cây lâu năm; 55km bờ biển và 12km bờ cửa sông. Huyện có 3 dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Cùng với phát triển kinh tế biển, Duyên Hải coi trọng sản xuất nông nghiệp. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ nhiều mô hình kinh tế ra đời, góp phần giảm nghèo hiệu quả.
Hộ nghèo ở huyện Duyên Hải vay vốn trồng rau

Hộ nghèo ở huyện Duyên Hải vay vốn trồng rau

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Duyên Hải, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn đồng hành cùng NHCSXH. Trong tổng dư nợ đạt gần 144,1 tỷ đồng  với 12.051 hộ vay, thì cho vay ủy thác qua các hội, đoàn thể đạt xấp xỉ 143,9 tỷ đồng. Điều đáng nói là các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn đã vào cuộc cùng NHCSXH rất “đều tay”.

“Chung tay, gánh vác” nhiệm vụ cùng với NHCSXH, các cấp hội, đoàn thể đưa vốn xuống tận thôn ấp, vùng sâu, vùng xa thông qua 378 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, theo đánh giá của NHCSXH huyện Duyên Hải, có 227 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm 60,53% trên tổng số tổ được xếp loại tốt về việc nộp lãi và nhắc nhở tổ viên hoàn trả vốn vay đúng hạn.

“Hiện nay, Hội Phụ nữ huyện Duyên Hải nhận ủy thác vốn vay từ NHCSXH trên 60 tỷ đồng; Hội Nông dân hơn 53 tỷ đồng; Hội CCB 14,5 tỷ đồng và Đoàn Thanh niên gần 16 tỷ đồng”.

Ngũ Lạc là một xã nghèo thuộc vùng sâu của huyện Duyên Hải, có diện tích tự nhiên trên 300ha, gồm 10 ấp, với gần 18 nghìn dân, trong đó dân tộc Khmer chiếm 64%. Kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; một bộ phận không nhỏ phải đi làm ăn xa do không có vốn, không có đất sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, ngoài các chính sách, chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, đất ở và đất sản xuất; cây và con giống, phân bón, trợ giá… đến nay, NHCSXH huyện đã giải ngân 23,37 tỷ đồng cho trên 80% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác của xã được vay vốn sản xuất, chăn nuôi. Hiện nay, xã có 27 Tổ kinh tế hợp tác với 666 thành viên tham gia. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, một số mô hình Tổ kinh tế hợp tác sản xuất ra đời, như mô hình sản xuất cây lạc của ấp Bốn Thanh; mô hình trồng ớt chỉ thiên, cây ngô Nhật, trồng rau an toàn ở ấp Thốt Lốt; chăn nuôi gà thả vườn ở ấp Rọ Say… bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, từ đó hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm giảm đáng kể, hộ khá, giàu tăng lên.

Cùng với Dân Thành, Long Hữu là một trong 2 xã của huyện Duyên Hải được tỉnh Trà Vinh chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã đạt được 10/19 chỉ tiêu… Gắn liền với cuộc vận động “thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”, thanh niên Long Hữu luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Đoàn thanh niên còn đi đầu trong sản xuất, đưa tiến bộ KHKT về nông thôn. Anh Phạm Thanh Trường - Bí thư Đoàn Thanh niên xã cho biết: Trong thời gian qua, nhờ phối hợp với Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư, Đoàn Thanh niên xã đã tổ chức được 45 lớp tập huấn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng màu với gần 600 lượt thanh niên tham gia; thành lập được 6 tổ góp vốn (46 triệu đồng) xoay vòng sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên đã liên kết với NHCSXH huyện Duyên Hải nhận ủy thác 360 triệu đồng cho hàng chục thanh niên vay vốn lập nghiệp. Thông qua nguồn vốn chính sách, nhiều tấm gương thanh niên cần cù trong lao động, vươn lên với ý chí và nghị lực thoát nghèo, như: chi hội ấp 15, 16 với mô hình trồng luân canh cây màu trên đất bờ lót bạc nuôi tôm; mô hình nuôi bò vỗ béo của thanh niên ấp 12 cho thu nhập cao; mô hình trồng lạc của thanh niên ấp 17 góp phần ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo. Bằng cách làm thiết thực và hiệu quả, thời gian qua đã có 6 thanh niên ở Long Hữu thoát nghèo. Trong đó, anh Nguyễn Văn Bi là hội viên nghèo cuối cùng của thanh niên xã Long Hữu, anh Bi cho biết: “Tôi ở ấp 15, nhà nghèo, chỉ có 1 sào đất làm không đủ ăn. Để kiếm sống, hàng ngày tôi phải đi chài, đi giăng lưới cá để kiếm thêm tiền. Nhờ sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên xã, tôi được NHCSXH cho vay vốn và đầu tư trồng màu, nuôi tôm. Nhờ vậy, cuộc sống ổn định dần, đến nay tôi đã thoát nghèo”.

Niềm vui này được nhân lên qua kết quả điều tra, rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, năm 2013 trên phạm vi toàn xã Long Hữu giảm được 32 hộ nghèo, 39 hộ cận nghèo, theo đó tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm xuống còn 4,8% và 5,9%. Thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 21,6 triệu đồng/người/năm (tăng 3 triệu đồng so với năm 2011). Nhiều xã trong huyện Duyên Hải đang lấy xã Long Hữu làm tấm gương để vươn tới.

Bài và ảnh Hồ Đức Thọ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác