Nâng mức cho vay và giảm lãi suất: Người nghèo thêm vui
Trước đó, NHCSXH đã điều chỉnh nâng mức cho vay tối đa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 30 triệu đồng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ vay. Việc nâng mức vay và điều chỉnh giảm lãi suất sẽ góp phần giúp người nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay dễ hơn, giúp công cuộc giảm nghèo đạt kết quả cao, nhanh và bền vững.
Hiệu quả từ một chương trình
Thường Xuân là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa với địa hình phức tạp, hệ thống hạ tầng còn hạn chế, nhất là đường giao thông. Hơn một nửa dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ không đồng đều nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao, người dân luôn khát vốn để phát triển sản xuất. Vì vậy, ngay từ khi thành lập NHCSXH huyện Thường Xuân, Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đã được người dân hưởng ứng. Dư nợ của chương trình này đến thời điểm hiện tại lên tới gần 38 tỷ đồng với gần 2.000 hộ vay.
Theo chân cán bộ NHCSXH huyện xuống giao dịch tại xã Xuân Lẹ mới thấy hết được ý nghĩa của đồng vốn do NHCSXH chuyển tải. Phần lớn người dân được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả đồng vốn. Nguồn vốn được lãnh đạo địa phương ví như chất xúc tác, bôi trơn các hoạt động kinh tế, thúc đẩy nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, trở thành động lực đẩy nhanh giảm nghèo cho nhân dân nơi đây. Hiện, xã Xuân Lẹ có 17 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 781 hộ đồng bào dân tộc được vay vốn sản xuất, tổng mức dư nợ đạt gần 13 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Minh Hà ở thôn Bàn Tạn, xã Xuân Lẹ, tâm sự: “Từ khi được vay 20 triệu đồng. Với số vốn này, tôi mua được 2 con trâu, cứ thế mỗi năm trâu sinh sản được 2 con nữa, ngoài ra tôi còn đầu tư trồng rừng lấy gỗ. Chỉ sau 2 năm, gia đình đã trả hết số tiền vay ngân hàng và nuôi con ăn học, kinh tế gia đình ổn định hơn trước rất nhiều. Giờ NHCSXH tiếp tục nâng mức vay, đồng thời giảm lãi suất thì chúng tôi thấy không còn gì vui hơn. Đây chính là cơ hội để những hộ nghèo vươn lên thoát nghèo làm giàu”.
Thêm cơ hội thoát nghèo
Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay với lãi suất phù hợp, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay. Tiết kiệm chi phí, giảm tối đa các chi phí quản lý, khuyến mại và chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng. Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo quy định của pháp luật như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất của các khoản vay cũ; xem xét miễn giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng.
Ông Nguyễn Hữu Bộ - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, cho biết: “Chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH đã mang lại hiệu quả thiết thực. Với lãi suất thấp, thời gian quay vòng vốn dài cùng các thủ tục cho vay nhanh đã giúp các hộ nghèo dễ dàng tiếp cận để đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh”.
Năm 2013, gia đình anh Lam ở xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai được vay 30 triệu đồng của NHCSXH. Từ nguồn vốn này, gia đình anh mua 1 con bò, gần 200 con gà, vịt, ngan, sửa sang chuồng trại. Chưa đầy 1 năm sau, gia đình anh đã có con bê xuất chuồng với giá 10 triệu đồng, thu nhập của gia đình được cải thiện. “May có nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình tôi mới có cơ hội thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Nay chúng tôi lại vui hơn khi được vay mức cao hơn với lãi suất giảm, sẽ có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh”, anh Lam chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nguồn vốn tín dụng cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn của hộ nghèo. Mức cho vay bình quân không ngừng tăng, từ 4,9 triệu đồng năm 2005 lên 22 triệu đồng/món năm 2013. Phần lớn hộ nghèo vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, khả năng trả nợ tốt, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhờ có nguồn vốn tín dụng ưu đãi nên nhiều mô hình kinh tế được triển khai thành công. Sau gần 9 năm đã có thêm 66.000 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh từ 27,14% đầu năm 2006 xuống còn 15,61% năm 2012 (theo chuẩn mới).
Niềm vui nhân đôi
Anh Nguyến Tấn Thành - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết, tổ của anh có 50 tổ viên được thành lập từ năm 2004. Sau 10 năm, số hộ nghèo từ 30 hộ giảm xuống còn 15 hộ. Hiện còn 17 hộ với dư nợ 294 triệu đồng… Cũng theo anh Thành, thời gian qua, các hộ nghèo chỉ được vay từ 20 - 30 triệu đồng, với lãi suất 0,65%/tháng. Nay Chính phủ nâng mức vay tối đa lên 50 triệu đồng/hộ với lãi suất chỉ có 0,6%/ tháng thì người nghèo rất phấn khởi. Với số tiền 50 triệu đồng, các hộ sẽ mua được 1 cặp bò giống khá lớn, nhanh sinh sản, khả năng giảm nghèo nhanh hơn.
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Hồng Anh - Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), cho biết, trước đây các gia đình thuộc diện hộ nghèo chỉ được vay tối đa 30 triệu đồng/hộ. Nay Chính phủ nâng mức vay tối đa lên 50 triệu đồng/hộ và giảm lãi suất xuống còn 0,6%/tháng thì bà con ai cũng mừng. Nông dân huyện Sơn Hà đang có nhu cầu vay vốn để trồng keo lai nên chủ trương mới này rất được bà con ủng hộ.
Ông Trần Duy Cường - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, khi có Quyết định về nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, chi nhánh đã triển khai cho các địa phương trong tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đến người dân để bà con nắm được và có phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi tập trung đẩy nhanh tiến độ cho vay, doanh số đạt trên 366 tỷ đồng, tăng hơn 64,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013; góp phần tạo điều kiện cho 20.844 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi. Tổng dư nợ các Chương trình tín dụng toàn tỉnh đến 30/6/2014 đạt trên 2.245 tỷ đồng, với 131.258 hộ vay, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,49%.
Như Quỳnh - Hải Vân
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Mong thêm chòi bê tông để người Quảng Bình vững tâm vượt lũ
- » Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Thanh Sơn
- » Huyện Duyên Hải có hơn 12 nghìn hộ được vay vốn ưu đãi
- » Phú Thọ: Phương thức ủy thác cho vay đạt hiệu quả cao
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn thực sự hữu ích trong giảm nghèo ở huyện Như Thanh
- » Đồng Hỷ thoát nghèo nhờ cây chè
- » Tín dụng chính sách trên thành phố mang tên Bác
- » Ưu tiên đầu tư vùng dân tộc miền núi
- » Hòa Bình cho vay NS&VSMTNT