Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Thanh Sơn

15/07/2014
(VBSP News) Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã đồng lòng đoàn kết, xây dựng quê hương và dành được nhiều thành tích trong giữ vững an ninh, chính trị và phát triển kinh tế, xã hội. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho địa phương...
Chè - cây công nghiệp quan trọng trong giảm nghèo và làm giàu ở Thanh Sơn

Chè - cây công nghiệp quan trọng trong giảm nghèo và làm giàu ở Thanh Sơn

Là một trong 10 huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, Thanh Sơn có diện tích tự nhiên hơn 62 nghìn ha, trên 12 vạn dân, trong đó có hơn 58% là đồng bào dân tộc thiểu số; gần 12 nghìn hộ nghèo và cận nghèo, 8 xã khu vực III, 13 xã khu vực II, 6 xã thuộc vùng chương trình 229; 133 thôn, bản đặc biệt khó khăn… Chấm phá vài nét đặc điểm tự nhiên, xã hội, những con số “biết nói” đã cho thấy cái nghèo, cái khó ở Thanh Sơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Ngọc Vân nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm qua chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân. Điều dễ nhận thấy là cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm… đã được xây dựng tận vùng sâu, vùng xa, người dân phấn khởi, yên tâm sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 51,35%, sau khi triển khai các chương trình giảm nghèo, đến năm 2013, tỷ lệ giảm xuống còn 20,39%; tỷ lệ lao động qua đào tạo, dạy nghề đạt 18,13%; xuất khẩu lao động được 2.261 người, bình quân khoảng 200 lao động/năm; 100% người nghèo được cấp thẻ BHYT, 100% hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện và 100% học sinh nghèo được miễn giảm học phí.

Thanh Sơn là một vùng đất cổ, đất đai thích hợp với các loại cây trồng, như: chè, sơn, sắn, lạc, ngô; trồng rừng và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Theo Giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Văn Lâm: với 8 chương trình tín dụng ưu đãi và thông qua các hội, đoàn thể ở các xã, thị trấn đã có hơn 39 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi với số tiền 992 tỷ đồng. Bình quân một khách hàng vay vốn đạt 4,5 triệu đồng năm 2005, tăng lên 16,2 triệu đồng năm 2012. Chương trình tín dụng chính sách đã góp phần tích cực giúp trên 10 nghìn hộ thoát nghèo và cải thiện đời sống; hơn 11 nghìn hộ chuyển biến về nhận thức và cách thức làm ăn, hơn 7.000 lao động được tạo việc làm mới…

Tuy có nhiều cố gắng trong công tác giảm nghèo, nhưng do địa bàn rộng, điểm xuất phát thấp, dân số đông, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thanh Sơn đến nay vẫn còn cao 20,4%. Theo Bí thư huyện ủy Đinh Công Thực và Chủ tịch UBND xã Võ Miếu, Hà Văn Thạo, tỷ lệ hộ nghèo còn cao do nhiều nguyên nhân. Trước hết, do “3 thiếu”: thiếu lao động, thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn. Bên cạnh đó, vẫn còn tư tưởng an phận, không nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chi tiêu không có kế hoạch. Một số trường hợp muốn được hưởng các chính sách ưu đãi, như BHYT, miễn giảm học phí đối với hộ nghèo, cho nên trong dòng họ giúp nhau bằng cách bình xét cho nhau được công nhận hộ nghèo, có gia đình tách hộ để trở thành hộ gia đình già cả, neo đơn… Cho nên, tỷ lệ hộ nghèo như thống kê là không chính xác.

Thực tế trên vùng đất này, không ít hộ nghèo bằng chính sức mình, cộng thêm nguồn vốn vay của NHCSXH đã vươn lên thoát nghèo và đang làm giàu chính đáng. Điển hình như gia đình ông Vi Văn Dũng ở khu 10, xã Cự Thắng là một ví dụ. Trước đây, gia đình chủ yếu trồng trọt, cuộc sống “thiếu trước, hụt sau”. Vì sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, đặc biệt không có vốn đầu tư vào sản xuất. Năm 2005, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông được bình xét vay 30 triệu đồng hộ nghèo. Nhờ tính toán, cân nhắc, “thuận vợ, thuận chông”, ông quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 100 con gà, 6 con lợn thịt, 1 con lợn nái. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng KHKT vào chăn nuôi, đàn lợn, gà của gia đình phát triển tốt. Đến nay, ông thường xuyên nuôi hơn 200 con gà, 10 - 15 con lợn, thu nhập 60 - 70 triệu đồng/năm. Ông Dũng chia sẻ: “Dù chưa thật khá giả, nhưng gia đình tôi đã làm được nhà kiên cố, mua sắm được những vật dụng cơ bản và có một khoản nhỏ tích lũy để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi”.

Huyện Thanh Sơn có 23 xã, thị trấn, trong đó có 14 xã nằm trong quy hoạch vùng chè của tỉnh Phú Thọ. Ở xóm Thanh Hà, xã Võ Miếu, có 70 hộ trồng chè và chuyên làm chè khô, trong đó có khoảng 30 hộ thu nhập bình quân đạt 50 - 70 triệu đồng/năm. Ngoài cây chè, hơn 50% số xã trong huyện trồng cây sơn lấy nhựa, gia đình trồng nhiều trên dưới 1ha, ít 5 - 7 sào. Năm 2013, toàn huyện thu được gần 140 tấn nhựa sơn, giá bán từ 250 - 350 nghìn đồng/kg (tùy thời điểm), các hộ trồng sơn đều có đời sống ổn định.

Từ thực tế, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Ngọc Văn cho biết các giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách giảm nghèo. Cụ thể, thay đổi về quan điểm, tư duy, chuyển từ hình thức “cấp không” sang hỗ trợ, cho vay. Từ hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo sang hỗ trợ hộ nghèo, nhóm hộ nghèo và cộng đồng bằng các mô hình sản xuất… Nội dung các chương trình, chính sách chuyển dần theo hướng cùng với hỗ trợ sẽ quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cho người dân nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác