Võ Miếu - nơi Tổng Bí thư về thăm
Là một xã miền núi, nhưng về Võ Miếu ngày nay không còn thấy những khó khăn, gian khổ như trước đây. Dọc hai bên đường đến trung tâm xã, nhiều cơ sở chế biến gỗ (chủ yếu gỗ keo trồng tại xã) đang hoạt động tấp nập. Xa xa là những quả đồi nhấp nhô, khoác áo màu xanh của nhiều loại cây trồng, từ lưng chừng đồi trở lên là cây keo, cây mỡ, phía dưới là nhưng vạt chè xanh biếc.
Buổi làm việc của Tổng Bí thư với cán bộ chủ chốt xã, huyện Thanh Sơn và tỉnh tại trụ sở UBND xã Võ Miếu vừa qua có mặt khá đông bà con dân tộc. Báo cáo với Tổng Bí thư về tình hình địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Kim Thành cho biết: Võ Miếu có hơn 12 nghìn dân với 3 dân tộc Kinh (48%), Mường (46%), Dao… Là xã đông dân thứ 2 của huyện (sau thị trấn), kinh tế thuần nông, nguồn thu nhập chính của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (cấy lúa, trồng ngô, sắn) và chăn nuôi, thu nhập bình quân mới đạt 13,2 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo còn gần 13%, cận nghèo gần 6%.
Trao đổi ý kiến với cán bộ địa phương, nói chuyện cùng bà con, Tổng Bí thư đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng băn khoăn, vì sao tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, của huyện lại càng cao (20,39%), làm thế nào để giúp bà con giảm nghèo?
Trao đổi ý kiến xung quanh những vấn đề Tổng Bí thư quan tâm, lãnh đạo huyện Thanh Sơn và xã Võ Miếu đều cho rằng: tỷ lệ hộ nghèo còn cao do nhiều nguyên nhân, nhưng tựu chung lại có 6 nguyên nhân chính: “4 thiếu và 2 không”. Cụ thể là, hộ nghèo: thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu lao động và thiếu kiến thức làm ăn; không nỗ lực vươn lên thoát nghèo và không biết tính toán trong chi tiêu…
Thực tế trên vùng đất này không ít hộ gia đình bằng chính sức mình cộng với nguồn vốn vay của NHCSXH đã vươn lên thoát nghèo và đang làm giàu chính đáng. Ngoài đất cấy lúa, trồng khoai, sắn, Võ Miếu có 300ha trồng chè, 73ha trồng cây sơn lấy nhựa là nguồn thu nhập chính của những hộ giàu và khá giả. Võ Miếu là 1 trong 14 xã vùng chè của huyện Thanh Sơn, nằm trong quy hoạch vùng chè của tỉnh Phú Thọ. Cây chè gắn bó lâu đời với người dân Võ Miếu và mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình.
Trưởng xóm Hoàng Xuân Thành cho biết: xóm Thanh Hà có 193 hộ, trong đó 70 hộ trồng chè và chuyên làm chè khô, có khoảng 30 hộ thu nhập bình quân từ 50 - 70 triệu đồng/năm. Ông Ngô Sỹ Lý là một CCB, từ năm 1991 đến nay, ông làm Chi hội trưởng CCB xóm, năm 2003, được bà con tín nhiệm bầu ông kiêm luôn Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Vắng. Ông chia sẻ: “Khi bắt đầu được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng, xóm có 71 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm 28,1%, được Ban giảm nghèo xã phân bổ 60 triệu đồng vốn cho vay hộ nghèo. Sau khi bình xét, cả tổ nhất trí 11 hộ đủ điều kiện vay vốn trước. Các hộ sử dụng vào chăn nuôi trâu, bò, mở rộng trồng rừng, trồng chè. Sau 3 năm vay vốn tại xóm Vắng, đã có 6/11 hộ thoát nghèo, mở rộng quy mô sản xuất và chăn nuôi lớn hơn. Từ năm 2005 cho đến các năm tiếp theo, nguồn vốn đầu tư từ NHCSXH về tổ tăng dần. Đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn của ông Lý quản lý có tổng dư nợ đạt 803 triệu đồng với 45 hộ vay vốn. Tổ của ông không có nợ quá hạn, đặc biệt, huy động tiền gửi tiết kiệm đạt 21 triệu đồng.
Theo ông Hà Mạnh Hoạch - Phó Chủ tịch UBND xã: Võ Miếu có 22 xóm đều được sự quan tâm của NHCSXH, hầu hết bà con sử dụng vốn vay hiệu quả như xóm Vắng. Hiện, toàn xã có tổng dư nợ vốn chính sách trên 60 tỷ đồng, nguồn vốn chính sách đã tích cực tạo điều kiện cho bà con, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Khó khăn nhất hiện nay của bà con xã Võ Miếu là khâu tiêu thụ sản phẩm chè và sơn, đặc biệt sản phẩm chè búp và chè khô. Hầu hết bà con tự sản xuất, tự tiêu thụ, không có sự liên kết với nhà máy chế biến như nhiều nơi. Nhà máy có tổ chức thu mua cũng định giá thấp hơn giá thị trường, tư thương thì ép giá, nhưng bà con vẫn phải bán vì không có cách nào khác.
Qua tìm hiểu tình hình thực tế tại xã Võ Miếu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Xã Võ Miếu còn nhiều tiềm năng để phát triển. Với tiềm năng đất đai rộng lớn, dân số đông, lực lượng lao động dồi dào, “đất là cha, lao động là mẹ”, vì vậy Võ Miếu không thể nghèo. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều chủ trương, chính sách, chương trình xây dựng nông thôn mới… xã Võ Miếu cần chú trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, gắn với chế biến, xuất khẩu. Đồng thời, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích con em học xong đại học trở về xây dựng quê hương.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Bước ngoặt phát triển công nghệ của tín dụng chính sách
- » Nâng mức cho vay và giảm lãi suất: Người nghèo thêm vui
- » Mong thêm chòi bê tông để người Quảng Bình vững tâm vượt lũ
- » Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Thanh Sơn
- » Huyện Duyên Hải có hơn 12 nghìn hộ được vay vốn ưu đãi
- » Phú Thọ: Phương thức ủy thác cho vay đạt hiệu quả cao
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn thực sự hữu ích trong giảm nghèo ở huyện Như Thanh
- » Đồng Hỷ thoát nghèo nhờ cây chè
- » Tín dụng chính sách trên thành phố mang tên Bác