Làm giàu từ nguồn vốn nhỏ

21/07/2014
(VBSP News) Theo chân chị Đinh Thị Sao - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú (Bình Phước), vào thăm ấp Thuận Tiến, nơi có nhiều hộ đồng bào dân tộc S’Tiêng sinh sống, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ trên vùng đất này. Những căn nhà xây khang trang và lộng lẫy đã thay thế các túp lều tranh xiêu vẹo của hơn chục năm về trước.
Chị Ríp trước căn nhà khang trang của mình

Chị Ríp trước căn nhà khang trang của mình

Tỷ phú người S’Tiêng

Như bao cặp vợ chồng trẻ khác lúc mới ra ở riêng, anh Trinh và chị Lan rất nghèo. Không nghề nghiệp, nên hàng ngày cả 2 vợ chồng vừa làm thuê kiếm sống, vừa tranh thủ phát thêm miếng rẫy. “Lúc đó, cơ giới chưa phổ biến, nông dân chủ yếu dựa vào sức người nên 2 vợ chồng dù cố gắng chỉ phát được 1ha trồng điều. Những năm đầu, giá điều còn thấp nên thu nhập chẳng thấm vào đâu”, anh Trinh nhớ lại. Năm 2007, tai họa ập xuống gia đình anh Trinh khi căn nhà tranh đang ở bị gió lốc cuốn sập, rẫy điều cũng gãy đổ hoàn toàn.

Được Hội Phụ nữ xã Thuận Lợi bình xét, NHCSXH cho vay 6 triệu đồng, anh chị đã thuê máy cày đất, mua cây giống trồng mì. “Nhờ trúng mùa, lại được giá, mỗi vụ vợ chồng tôi dành dụm được 5 - 7 triệu đồng. Khi số tiền tích cóp kha khá, vợ chồng tôi mua chiếc máy cày nhỏ vừa đi cày đất, chở nông sản thuê cho người dân trong vùng”, anh Trinh cho biết.

Làm ăn ngày càng thuận lợi, anh chị lại tích cóp tiền mua thêm đất rẫy. Giờ đây, khi đã có trong tay 7ha đất trồng cao su và điều, thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm, ngồi nhớ lại chuyện ngày xưa, anh Trinh chợt trầm ngâm: “Quả thật, trong cái rủi có cái may. Hồi đó khi nhà sập, rẫy điều ngã tôi thấy rất chán nản nhưng cũng từ đó mình có thêm nghị lực và tìm hướng đi mới để thoát nghèo”.

Chắt chiu để làm giàu

Đến nhà chị Thị Lợi, chúng tôi được biết chị vừa xây được căn nhà hơn 260 triệu đồng sau nhiều năm dành dụm, tiết kiệm. Chị Lợi kể, trước đây, vợ chồng chị trồng cây lúa trên rẫy, mỗi năm chỉ 1 vụ. “Ngày đó, mỗi héc ta lúa rẫy nếu trúng mùa chỉ được vài chục bao. Năm nào mưa thuận gió hòa thì còn đủ gạo ăn, nhưng năm nào lúa bị ngã hoặc bị thú rừng phá thì cầm chắc cái đói”, chị Lợi nhớ lại.

Chị Lợi đang thu hoạch mủ trong vườn cao su nhà mình

Chị Lợi đang thu hoạch mủ trong vườn cao su nhà mình

“Tính đến nay, thông qua các hội, đoàn thể, NHCSXH tỉnh Bình Phước đã cho hơn 217.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo vay gần 3.000 tỷ đồng”.

Năm 1997, khi Nhà nước có các chương trình hỗ trợ cây giống cho đồng bào dân tộc thiểu số, vợ chồng chị Lợi quyết định chuyển từ trồng lúa rẫy sang trồng điều và cao su. Cây giống thì Nhà nước đã cấp cho, nhưng cây trồng xuống rồi phải đầu tư phân bón nên anh chị làm đơn xin ngân hàng người nghèo cho vay 1,5 triệu đồng để mua phân bón. “Số tiền 1,5 triệu đồng bây giờ thấy quá nhỏ, nhưng lúc đó nó đã giúp mình có thêm nguồn lực chăm sóc vườn cao su vừa đâm chồi, cũng như là tiếp thêm sức tinh thần cho chúng tôi ”, chị Lợi nói. Hiện nay, vườn cao su 1,6ha của gia đình chị Lợi đã được 17 năm tuổi và đang cho nhiều mủ. Ngoài cao su, gia đình chị còn có thêm 4 sào điều. “Mấy năm trước, mủ cao su có giá, mỗi ngày tôi cạo được khoảng 2 triệu đồng. Vì vậy năm nào tôi cũng để dành được từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Hiện giờ tuy cao su rớt giá, nhưng mỗi ngày cạo cũng được khoảng 300 - 400 nghìn đồng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học”, chị Lợi khoe.

Về ấp Thuận Tiến, không thể không nhắc tới chị Ríp - Chi hội trưởng phụ nữ ấp, bởi chị cũng từng nghèo khó nhưng hiện giờ là một trong những người giàu nhất ấp. Chị Ríp tâm sự: “Để có được như ngày hôm nay, chúng tôi được sự giúp đỡ rất nhiều của chính quyền cùng các hội, đoàn thể mà đặc biệt là Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã thường xuyên đến vận động, đưa đi tham quan các mô hình hiệu quả, dự các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi…”. Hiện tại chị Ríp có 8ha đất, trồng điều và cao su đang khai thác với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chị Đinh Thị Sao - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thuận Lợi cho biết, mặc dù rất bận rộn với công việc đồng áng và nuôi dạy các con, nhưng chị Ríp vẫn tích cực tham gia phong trào, luôn hết lòng với công tác hội, vận động giúp đỡ chị em hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế.

Bài và ảnh Phạm Tấn Nhất

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác