Có vốn, có thêm nguồn thu

23/07/2014
(VBSP News) Nhờ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH, bà con ở các xã vùng cao khó khăn của huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã tích cực chuyển đổi sản xuất thâm canh cây trồng, sản xuất hàng hoá để nâng cao thu nhập...
Nhờ đồng vốn ưu đãi, nông dân ở các xã vùng cao khó khăn của Lai Châu đã tích cực chuyển đổi sản xuất thâm canh cây trồng

Nhờ đồng vốn ưu đãi, nông dân ở các xã vùng cao khó khăn của Lai Châu đã tích cực chuyển đổi sản xuất
thâm canh cây trồng

Huyện Tân Uyên mới thành lập từ cuối năm 2008, hầu hết 10 xã, thị trấn trong huyện đều thuộc diện khó khăn và được hưởng Chính sách 30a của Chính phủ. Nông dân Tân Uyên muốn bứt phá vươn lên nhưng “cái khó bó cái khôn”.

Nghèo vì thiếu vốn sản xuất

Đến với các hộ dân tộc Mông ở bản Nậm Pe, xã Phúc Khoa, anh Thào A Pao bảo: “Dân bản chúng tôi dù có sức lao động, có đất đai nhưng vẫn cứ đói ăn. Khi được tập huấn khuyến nông, chúng tôi biết thâm canh lúa, ngô, trồng thảo quả, nuôi lợn, gà… nhưng bắt tay vào làm thì lại thiếu vốn để mua giống, phân bón… Đi vay thì chẳng có gì thế chấp nên khó lắm. Còn vay tư nhân thì lãi suất cao, mà cũng chẳng ai dám cho vay nhiều”.

Không chỉ ở vùng cao xa xôi mà ngay cả nhiều người dân ở thị trấn Tân Uyên cũng khó khăn khi phải xoay xở tạo vốn sản xuất. Chị Lương Thị Phượng ở bản Hua Chăng, thị trấn Tân Uyên, cho biết: người dân thị trấn tuy có điều kiện tiếp xúc với KHKT, dịch vụ, giao thương thuận lợi nhưng cái khó nhất vẫn là vốn. Nếu không có NHCSXH, thông qua các tổ chức: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh… để tạo vốn tín chấp với lãi suất thấp thì người nghèo khó có khả năng bứt phá thoát nghèo.

Vốn ngân hàng “đẻ” ra trâu, bò

“Nhờ nguồn vốn ưu đãi, gia đình tôi và nhiều hộ trong bản đã có những nguồn thu mới ổn định và cao hơn trước giúp chúng tôi vượt qua đói nghèo”, chị Lương Thị Phượng cho biết.

Nắm bắt được nhu cầu vốn sản xuất của nông dân, hiểu được sự bức bách của hộ “đói vốn”, NHCSXH huyện Tân Uyên đã nhanh chóng triển khai mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đến tất cả các thôn, bản, từng bước triển khai các chương trình cho hộ nghèo vay vốn, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Gần 200 Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập, phủ kín từ những địa bàn xa xôi, hẻo lánh, giao thông khó khăn như Mường Khoa, Phúc Khoa, Tà Mít… cho tới các khu, tổ dân phố trong thị trấn Tân Uyên, với hàng nghìn lượt hộ được vay vốn sản xuất, gần 1.000 hộ được hỗ trợ xoá nhà tạm.

Chị Lương Thị Phượng cho biết thêm: “Việc vay vốn khá thuận lợi, lãi suất thấp và thời gian dài nên người vay yên tâm làm ăn. Kể cả trong trường hợp sản xuất gặp không may mắn thì vẫn có khả năng kéo lại vốn, trả nợ. Như nhà tôi và mấy hộ khác trong bản này vay được 20 triệu đồng/hộ, đầu tư vào chăn nuôi lợn, có lứa lãi thấp, có lứa lỗ nhưng cơ bản là lãi nên cuộc sống được cải thiện tốt hơn. 3 năm nuôi lợn, tôi đã có được khoản tích cóp mấy chục triệu đồng”.

Phấn khởi với nguồn vốn ưu đãi và ổn định, bà con các dân tộc Mông, Dao, Dáy, Tày, La Ha… ở các xã vùng cao nhiều khó khăn: Nậm Sỏ, Nậm Cần, Mường Khoa, Phúc Khoa, Hố Mít… kể cả ở những bản chưa có đường giao thông cũng tích cực chuyển đổi sản xuất, thâm canh cây trồng, sản xuất hàng hoá để nâng cao thu nhập. Chị Sùng Thị Sinh ở bản Hô Bon, xã Phúc Khoa, cho biết: “Vốn của NHCSXH về bản được mấy năm nay, làm ra nhiều trầu, bò, lợn, ngô… nhưng nhiều nhất là vườn cây thảo quả. Người vùng cao ở Phúc Khoa này hộ nào cũng trồng thảo quả, chỉ mấy năm nữa là bản sẽ có nhiều hộ thoát nghèo và trở nên giàu có đấy”.

Theo Kiều Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác