Vai trò các hội, đoàn thể trong công tác tín dụng chính sách

22/07/2014
(VBSP News) Theo báo cáo của NHCSXH TP. Hà Nội hiện tại tổng dư nợ 9 chương trình tín dụng uỷ thác qua các hội, đoàn thể đạt 3.587 tỷ đồng với 247 nghìn hộ còn dư nợ thông qua 8.128 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó Hội Nông dân là một tổ chức thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác với 1.091 tỷ đồng (chiếm 30% tổng dư nợ uỷ thác) tăng 81 tỷ đồng so với đầu năm với hơn 75 nghìn hộ vay thuộc 2.473 Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Hội viên phụ nữ ở các huyện ngoại thành Hà Nội vay vốn phát triển nghề truyền thống mây tre đan

Hội viên phụ nữ ở các huyện ngoại thành Hà Nội vay vốn phát triển nghề truyền thống mây tre đan

Theo bà Dương Thị Hằng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội, để nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn ưu đãi, hàng năm, hội thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác uỷ thác cho cán bộ tại cấp xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn cho vay, đôn đốc hộ dân sử dụng vốn đúng mục đích.

Cùng với đó, việc tư vấn, hướng dẫn các hội viên đầu tư sản xuất những cây, con giá trị kinh tế hàng hóa luôn được cán bộ nông dân các cấp chú trọng thực hiện. Thực tế cho thấy, nguồn vốn cho vay ủy thác qua các hội, đoàn thể ở TP. Hà Nội đã và đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Vương Đức Thắng, hội viên nông dân xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì cho biết: “Trước đây, vợ chồng tôi gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đầu năm 2010 gia đình được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, NHCSXH cho vay 30 triệu đồng, với số tiền vay, vợ chồng bàn bạc thống nhất xây chuồng trại, mua lợn giống, vịt đẻ về nuôi. Ban đầu làm ăn chưa có kinh nghiệm nhưng gia đình chúng tôi đã được Hội Nông dân và cán bộ khuyến nông thường xuyên giúp đỡ, chỉ dẫn kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, với trại lợn trên 80 con và 200 con vịt đẻ trứng hàng ngày đã tăng nguồn thu nhập tăng khá cao, ổn định. Điều quan trọng hơn tới đây, dù chưa đến kỳ trả nợ nhưng gia đình tôi dự định tích cóp trả trước hạn, tiến hành lập dự án mở rộng cơ sở sản xuất thành trang trại chăn nuôi có quy mô sản xuất hàng hóa lớn và hy vọng được tiếp cận với nguồn ưu đãi giải quyết việc làm, từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chăn nuôi thương phẩm và giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 40 - 45 lao động tại chỗ”.

Tương tự, những năm qua, các hội viên phụ nữ thành phố đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thuận lợi để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Tính đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn quản lý số vốn được uỷ thác là 2.015 tỷ đồng (chiếm 57% trên tổng dư nợ uỷ thác) tăng 127 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 6,7% với 136 nghìn hộ vay thuộc 4.163 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Cùng với các hoạt động hỗ trợ về vốn, Hội Phụ nữ các cấp đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao KHKT, nhằm nâng cao năng lực lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ áp dụng phát triển kinh tế gia đình, với việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi do hội quản lý, hàng năm, số chị em thuộc diện nghèo khó giảm rõ rệt.

Chị Nguyễn Thị Chờ - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức cho biết: cả tổ có 42 hội viên thì hầu hết đều được vay vốn nên rất phấn khởi. Các hội viên chủ yếu đầu tư chăn nuôi lợn, gà, bò; năm qua có 9 hộ thoát nghèo, có hộ còn làm ăn khá giả, trở thành tấm gương hai giỏi trong phong trào phụ nữ “Giỏi việc sản xuất, đảm việc nhà”. Đơn cử như hộ chị Nguyễn Thị Sáu trước đây có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ruộng đất ít, chồng đau ốm liên miên, kinh tế gia đình gần như kiệt quệ nhưng từ khi được vay vốn hộ nghèo để chăn nuôi lợn nái, nên chỉ sau 4 năm không những trả được nợ mà còn xây được ngôi nhà kiên cố; hay gia đình chị Đào Thị Thắm ở thôn Trinh Tiết đã ăn nên làm ra từ 20 triệu đồng vốn vay. “Từ nguồn vốn vay, tôi đã chủ động mua con giống tốt về chăn nuôi, mặt khác đàn lợn cũng được chăm sóc chu đáo, tiêm phòng định kỳ nên không để xảy ra dịch bệnh mỗi năm nhà tôi đều tăng số lượng lợn nuôi, năm ngoái xuất bán hơn 4 tấn lợn hơi. Đúng là nhờ chính sách vay vốn ưu đãi thông qua Hội Phụ nữ xã, đã giúp chị em nghèo khó trong thôn xã có điều kiện phát triển kinh tế, xoá nghèo hiệu quả, nhất là được gắn kết, giúp đỡ nhau thiết thực hơn trong sản xuất và cuộc sống”, chị Thắm chia sẻ.

Ghi nhận về vai trò của các hội trong công tác uỷ thác nguồn vốn, ông Nguyễn Kim Phung - Giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội khẳng định: “Việc thực hiện uỷ thác nguồn vốn qua các hội, đoàn thể không chỉ làm tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách mà còn huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thủ đô”. Với việc thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cho vay, các hội, đoàn thể đã thành lập, củng cố chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn, từ đó chất lượng uỷ thác thông qua các hội, đoàn thể ngày càng nâng cao.

Bài và ảnh Đức Thọ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác