Cho vay NS&VSMTNT ở Gia Lai

25/07/2014
(VBSP News) Hoạt động trên một địa bàn miền núi rộng lớn phía Nam khu vực Tây Nguyên có tới 45% đồng bào dân tộc thiểu số với điểm xuất phát thấp, trình độ mọi mặt hạn chế, nhưng NHCSXH chi nhánh tỉnh Gia Lai đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chuyển tải nhanh nguồn vốn ưu đãi đến tận nơi và đúng đối tượng được thụ hưởng, hỗ trợ bà con chủ động phát triển sản xuất kinh doanh, giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đồng bào dân tộc ở tỉnh Gia Lai phấn khởi được dùng nước sạch

Đồng bào dân tộc ở tỉnh Gia Lai phấn khởi được dùng nước sạch

Tổng dư nợ cho vay của NHCSXH tỉnh Gia Lai đến nay đã đạt trên 2.600 tỷ đồng, với 150 nghìn hộ vay. Nguồn vốn đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có cuộc sống ổn định.

Riêng Chương trình cho vay NS&VSMTNT, các đơn vị thuộc NHCSXH tỉnh Gia Lai đang tích cực thực hiện Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về nâng mức vay, giảm lãi suất và mở rộng đối tượng vay vốn ưu đãi nhằm nâng cao sức khoẻ, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn và căn cứ văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay của cấp trên, chi nhánh đã chủ động tham mưu cho chính quyền phân bổ nguồn vốn đến các huyện, thị xã để kịp thời cho vay vốn sửa chữa, cải tạo các công trình hiện có ưu tiên chuyển vốn cho các xã còn nhiều hộ chưa có công trình nước sạch và vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia; đồng thời phối hợp với ngành nông nghiệp cho vay theo hình mẫu, phù hợp với từng địa phương; thực hiện giải ngân trực tiếp đến tay người vay; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn vay của chương trình.

Xã Tân Sơn thuộc thành phố Pleiku có tới 231 hội dân, trong đó có 91 hộ dân tộc Jrai được thụ hưởng 1,8 tỷ đồng từ Chương trình tín dụng NS&VSMTNT. Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn vay, ông Phạm Phương - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho rằng: việc cho vay xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh rất thiết thực, bởi nó đã giải quyết vấn đề vốn liếng cho nhân dân giúp đồng bào dân tộc nâng cao ý thức bảo vệ sản xuất và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ông Brech ở thôn Pleiku Tiêng, xã Tân Sơn cho biết: “Trước đây gia đình tôi vẫn dùng nước sông suối đục bẩn, không hợp vệ sinh, các cháu hay mắc bệnh đau mắt, tiêu chảy. Nhưng từ khi được vay vốn đã bắc được đường ống dẫn nước máy sạch sẽ về tận nhà để sử dụng rất tiện lợi và phù hợp với mức thu nhập của nông dân mọi nhà trong buôn, làng phấn khởi, yên tâm chăm sóc vườn cà phê, nuôi vỗ béo đàn gia súc, gia cầm”.

Còn ở xã biên giới Bơ Ngoong, huyện Chư Sê đã có hơn 60% số hộ dân được vay vốn ưu đãi làm nhà tiêu hợp lý. Đặc biệt tháng 5 và 6 vừa qua, 37 gia đình người Ba Na, Tày, Nùng của xã có nhu cầu xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được vay với mức cao hơn trước, từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng/hộ vay cho mỗi công trình và được giảm lãi suất cho vay.

Chị Đinh Giang - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bơ Ngoong cho biết: “Chương trình tín dụng NS&VSMTNT đã mang lại hiệu quả thiết thực ở vùng nông thôn chúng tôi. Lãi suất cho vay ưu đãi, thời gian quay vòng vốn dài, mức vay mới được nâng lên đã giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa trên vùng cao Tây Nguyên dễ dàng tiếp cận để bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn, yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác