Sức vươn lên của huyện ven biển Đầm Hà

30/07/2014
(VBSP News) Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, Đầm Hà là huyện miền núi, ven biển với dân số trên 33 nghìn người, đa số là người Kinh và nhiều dân tộc thiểu số khác, như: Tày, Dao, Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ, Nùng, Mường, Cao Lan... Kinh tế ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Từ đặc điểm sản xuất của địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách tạo thêm sức vươn cho huyện Đầm Hà.
Cây keo giống mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị Nguyễn Thị Ban

Cây keo giống mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị Nguyễn Thị Ban

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế địa phương, Đầm Hà đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, nâng tỷ lệ quay vòng đất để nâng cao thu nhập trên 1 đơn vị diện tích canh tác thông qua các chương trình phát triển cây lúa lai, mở rộng diện tích lúa mùa trung vụ, tăng diện tích trồng cây vụ đông, chuyển đổi vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cá nước ngọt. Năm 2013, huyện đã phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất 10,178 tỷ đồng đầu tư cho 10 dự án thủy lợi; 3 dự án xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất; kinh phí thực hiện mô hình phát triển sản xuất quy mô lớn, vùng tập trung… Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ 2,5 tỷ đồng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, triển khai 2 dự án, mô hình phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Quảng Tân. Hiện, trên địa bàn 9 xã của huyện đã có 11 mô hình sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt hiệu quả kinh tế.

Đồng hành cùng bước đi của huyện, trong những năm qua từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã có vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới, cải thiện cuộc sống góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Chị Trần Thị Trúc ở thôn Trung Sơn, xã Quảng Lợi cho biết: cách đây 4 năm, được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp, chị được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện Đầm Hà. Có vốn, chị bỏ lúa đầu tư vào trồng mía tím, chăn nuôi lợn. Hàng năm gia đình thu nhập khoảng 30 triệu đồng, có điều kiện cho các con học hành và xây dựng được căn nhà khang trang. Chị Tằng Nhì Mùi ở bản Tầm Làng, xã Quảng An, kể: “Là một trong những hội viên nghèo của xã, cuộc sống chỉ dựa vào mấy sào ruộng và làm nương. Hết thời vụ là “thất nghiệp”. Năm 2010, thông qua phong trào phụ nữ giúp nhau thoát nghèo, gia đình không những được vay vốn từ NHCSXH, mà còn được cán bộ hội, Trung tâm khuyến nông “cầm tay chỉ việc” cách làm ăn. Tận dụng đất vườn rộng, thuận lợi về nguồn nước, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư chăn nuôi vịt đẻ. Ban đầu mua 100 con vịt giống về nuôi, sau hơn 3 tháng vịt bắt đầu đẻ trứng lấy ngắn nuôi dài, đến nay đàn vịt đẻ của gia đình đã tăng lên 400 con, 1 ngày vịt đẻ trên 300 quả trứng không chỉ giải quyết việc làm cho hai vợ chồng mà còn là nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.

Lâm nghiệp là một trong những thế mạnh của huyện Đầm Hà, với hàng nghìn hec-ta rừng và đất rừng có thể phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng tổng hợp, trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao, như quế, cây lấy gỗ. Vốn vay của NHCSXH nơi đây, thực sự là “bà đỡ” đưa nông dân thoát nghèo và làm giàu. Anh Vũ Văn Hóa ở thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên nhớ lại: năm 1994 được xã cấp cho 10ha đất để phát triển kinh tế. Hai vợ chồng vừa khai hoang, vừa trồng nhiều loại cây khác nhau. Năm 2007, tôi trồng thử 3ha cây keo (lấy gỗ), thấy cây lớn nhanh, từ khi trồng đến ngày thu hoạch thời gian cũng không dài. Tôi chuyển hẳn sang trồng loại cây này. Năm 2011, thông qua Hội Nông dân tôi được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH, trồng 8ha keo. Hiện tại, cây keo đã cho thu hoạch. Với giá bán 30 triệu đồng/ha, cây keo không chỉ giúp tôi trả hết nợ ngân hàng, mà còn là “cây thoát nghèo” bền vững. Láng giềng anh Hóa (cùng thôn Đồng Tâm), gia đình chị Nguyễn Thị Ban. Năm 2012, trong khi đang loay hoay vì thiếu vốn đầu tư vào ươm cây keo giống, vừa để trồng, vừa để bán. Qua Hội Phụ nữ chị được vay 25 triệu đồng, trong chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Nguồn vốn này giúp chị không những ươm đủ cây giống để trồng 18ha keo, mà còn cung cấp cây keo giống cho các hộ trồng rừng trên địa bàn. Với 18ha rừng, chị trồng và luân phiên 5ha gối nhau, năm nào nhà cũng có keo bán. Từ việc phát triển trồng rừng, nhà chị thu nhập 300 triệu đồng/năm.

Anh Hóa, chị Ban chỉ là hai trong số hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn xã Dực Yên phát triển nghề trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, dư nợ của NHCSXH tại xã Dực Yên trên 12 tỷ đồng. 75% số hộ vay vốn phát triển trồng rừng. Rừng đã và đang đem lại quyền lợi thiết thực cho người dân, góp phần tạo ra sức vươn mạnh mẽ không chỉ của riêng xã Dực Yên, mà cả huyện Đầm Hà.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác