Người nghèo vui mừng được nâng mức vay, giảm lãi suất

05/08/2014
(VBSP News) Kể từ khi NHCSXH điều chỉnh nâng mức vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 30 triệu đồng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ vay, đồng thời giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách, hộ nghèo của tỉnh Thanh Hóa rất phấn khởi vì đã có thêm “giải pháp” cho công cuộc thoát nghèo bền vững.
Anh Ninh Viết Ba phấn khởi trước ao cá của gia đình được cải tạo nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH

Anh Ninh Viết Ba phấn khởi trước ao cá của gia đình được cải tạo nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH

Sau khi mức cho vay tối đa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được điều chỉnh từ 30 triệu đồng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ vay và Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 872/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số Chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH, theo đó, lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (theo Quyết định 365/2004/QĐ-NHNN) và lãi suất cho vay đối với HSSV giảm xuống ở mức 7,2%/năm (0,6%/tháng), những điều chỉnh này của Chính phủ đã nhanh chóng tạo được hiệu ứng tích cực tại tỉnh Thanh Hóa. Đối với nhiều hộ gia đình, đây chính là cơ hội để thực hiện nhiều giải pháp thoát nghèo đồng bộ, bền vững hơn.

Tính toán sử dụng vốn có trách nhiệm

Hộ anh Ninh Viết Ba ngụ tại thôn Đông Thôn, xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã mua thêm bò, cải tạo được ao nuôi cá kể từ khi anh chị được cho vay số tiền 40 triệu đồng vốn ưu đãi của Nhà nước. Anh Ninh Viết Ba cho biết: “Tôi là một thương binh, đời sống gia đình còn nhiều khó khăn. Kể từ khi biết thông tin NHCSXH nâng mức cho hộ nghèo vay số tiền nhiều hơn, gia đình tôi hết sức phấn khởi vì chúng tôi đã có thêm tiền để mua thêm bò, cải tạo ao cá. Chúng tôi chắc chắn vụ thu hoạch tới đây, ao cá gia đình sẽ có sản lượng tốt hơn nhờ những đồng vốn đồng hành từ NHCSXH”.

Anh Phạm Văn Hải thuộc diện hộ cận nghèo tại thôn Ngọc Chẩm, xã Thăng Long, huyện Nông Cống bộc bạch: “Được vay với số tiền nhiều hơn là một động lực lớn cho gia đình tôi làm ăn, nhưng nếu lãi suất còn cao thì cũng là một nỗi lo. Kể từ khi NHCSXH giảm lãi suất, dù chưa nhiều nhưng tôi cảm thấy rất yên tâm vì các đối tượng như chúng tôi luôn được Nhà nước tạo điều kiện để làm ăn, thay đổi cuộc sống tốt hơn”.

Từ khi có những điều chỉnh mới về nâng mức vay, giảm lãi suất các Chương trình tín dụng chính sách, chị Nguyễn Thị Bường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa luôn tất tả với việc phổ biến và hướng dẫn cho các gia đình có nhu cầu vay vốn. Ai cũng phấn khởi nhưng cũng thận trọng khi vay số tiền lớn, các gia đình phải tính toán rất kỹ về việc sử dụng cũng như kế hoạch trả nợ cho ngân hàng khi đến thời hạn. “Có một thực tế là phần lớn các hộ nghèo đang vay vốn ở hạn mức cũ đều tính toán sử dụng nguồn vốn đã vay hợp lý, hiệu quả nên tỷ lệ người dân vay vốn ở hạn mức theo quy định mới chưa nhiều. Các hộ còn phải tính toán việc sử dụng vốn phù hợp với quy mô mô hình phát triển kinh tế của gia đình”, chị Bường cho biết.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để tăng hiệu quả vốn chính sách

Thanh Hóa là một tỉnh đông dân với tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao, nhưng cũng là địa phương có tốc độ giảm nghèo bền vững rất ấn tượng. Tính đến tháng 12/2013, số lượng hộ nghèo là 121.818 nghìn hộ, giảm 3,44% so với tháng 12/2012, còn hộ cận nghèo là 101.998 nghìn hộ, giảm 0,86% so với tháng 12/2012. Trong hệ thống đồng bộ các giải pháp giúp hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống và thoát nghèo bền vững thì vai trò của NHCSXH là một tác nhân quan trọng. Những khoản vay đối với hộ nghèo được nâng dần lên, lãi suất giảm xuống đã tạo thêm tâm lý an tâm, khích lệ nỗ lực tự thoát nghèo của mỗi hộ dân.

Tuy nhiên, đến nay công tác giảm nghèo ở Thanh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Nguồn kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo hàng năm còn hạn chế, trong khi lãnh đạo chính quyền ở một số cơ sở và bản thân các hộ nghèo còn tư tưởng trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước, chưa huy động, khai thác nguồn nội lực tại địa phương. Ngoài ra, công tác phối hợp, tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ, đồng bộ, nhiều khi còn lúng túng, một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu năng động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm chưa cao. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi làm hạn chế kết quả công tác giảm nghèo. Một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở chưa thu hút được nhiều nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp và huy động được sự tham gia, đóng góp tích cực của nhân dân…

Ông Dương Thành Bắc - Giám đốc NHCSXH huyện Hoằng Hóa cho biết: “Kể từ khi Chính phủ có điều chỉnh về nâng mức vay và giảm lãi suất, NHCSXH huyện Hoằng Hóa đã duyệt vay cho khoảng 100 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện với mức vay từ 30 - 50 triệu đồng/hộ. Sự điều chỉnh này của Chính phủ là rất hợp lý trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên nguồn vốn vay này cho người nghèo chỉ là một trong nhiều yếu tố để thực hiện công cuộc thoát nghèo bền vững thành công. Chúng tôi mong muốn hơn nữa các giải pháp đồng bộ, chặt chẽ và đi sâu vào thực tế đời sống người dân thì hiệu quả sẽ cao hơn”.

Theo Đức Thọ - Báo Pháp luật Việt Nam

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác