Tất cả vì người dân

09/08/2014
(VBSP News) Hơn 11 năm qua, NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã không ngừng nỗ lực chuyển tải những đồng vốn ưu đãi đến tận tay người dân nghèo. Nhờ đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là hộ đồng bào Khmer đã vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, không ít hộ còn làm giàu chính đáng trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
Chị Thạch Thị Ngọc Hạnh chăm sóc bò mua từ vốn của NHCSXH

Chị Thạch Thị Ngọc Hạnh chăm sóc bò mua từ vốn của NHCSXH

Thoát nghèo nhờ vốn chính sách

Gia đình ông Sơn Cảnh, bà Thạch Thị Ngọc Hạnh, dân tộc Khmer, ngụ tại khóm 1, phường 9, TP. Trà Vinh vốn thuộc diện hộ nghèo. Do không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định nên thu nhập khá bấp bênh. Rất may là, trong lúc khó khăn, gia đình ông được NHCSXH cho vay 5 triệu đồng với lãi suất ưu đãi dành cho đối tượng hộ nghèo. Với số tiền này, ông mua bò sinh sản về nuôi. Năm 2013, NHCSXH tỉnh Trà Vinh còn cho vợ chồng ông Cảnh vay 30 triệu đồng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Có vốn, gia đình đầu tư mua vật liệu, xây cất nhà trọ cho sinh viên thuê. Đến nay, ông đã xây cất được 18 phòng, giá thuê 500.000 đồng/phòng/tháng. “Từ chỗ không có công việc ổn định, đời sống thiếu thốn trăm bề, nhờ đồng vốn ưu đãi, gia đình đã có cuộc sống ổn định, con cái được học hành đầy đủ”, ông Sơn vui mừng cho biết.

Ở Trà Vinh, không chỉ vợ chồng ông Sơn, bà Cảnh được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt từ NHCSXH mà đại đa số đồng bào Khmer ở đây đều được vay vốn ưu đãi. Ông Thạch Son E ngụ tại khóm 8, phường 8, TP. Trà Vinh, cho hay: “Gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn, nhà cửa xây cất đàng hoàng. Hàng ngày, hai vợ chồng lo chăm sóc hơn 5 công đất và nuôi 2 con bò sinh sản”. Nhớ về thời hàn vi, ông Thạch Son E thổ lộ: “Thấy gia đình tôi nghèo nên Hội Nông dân phường đứng ra tín chấp cho tôi vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi của NHCSXH. Vợ chồng tôi mua 1 con bò và đầu tư vào trồng trọt. Chỉ sau một vụ thu hoạch, kinh tế gia đình đã khởi sắc. Tiếp đó, NHCSXH tỉnh Trà Vinh còn cho chúng tôi vay 12 triệu đồng dành cho HSSV, giúp con tôi có cơ hội học xong đại học. Năm 2013, để giúp gia đình thoát nghèo bền vững, NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã cho vay 20 triệu đồng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Với số vốn này, chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản suất, mang lại cuộc sống ổn định hơn”.

Tạo điều kiện cho HSSV đến trường

Qua 7 năm cho vay HSSV, NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã giúp hơn 28 nghìn lượt hộ được vay vốn, trang trải chi phí cho con em đến trường, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ là không để một HSSV nào vì khó khăn về tài chính phải bỏ học. Theo đánh giá của các ngành liên quan, chính quyền và người dân, không có chương trình tín dụng nào tạo được sự đồng thuận cao như chương trình này, không chỉ phía NHCSXH mà các địa phương, hội, đoàn thể và cơ sở đào tạo cũng tích cực tham gia để vốn vay của chương trình đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Đến thời điểm này, Chương trình tín dụng HSSV tại NHCSXH tỉnh Trà Vinh đạt dư nợ 242 tỷ đồng, với 14.610 hộ gia đình có HSSV đang vay vốn.

Hỗ trợ cho người đi lao động ở nước ngoài

Người lao động tỉnh Trà Vinh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2014 - 2020 được hỗ trợ tiền học nghề, học ngoại ngữ, tiền ăn, đi lại và hỗ trợ vay vốn. Đây là nội dung của Đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài vừa được HĐND tỉnh Trà Vinh phê chuẩn.

Đối tượng hỗ trợ gồm lao động là thân nhân chủ yếu của gia đình chính sách, người có công với cách mạng như vợ hoặc chồng, con liệt sỹ; thương binh (kể cả thương binh loại B được xác nhận từ 31/12/1993 trở về trước, nay gọi là quân nhân bị tai nạn lao động); người hưởng chính sách như thương binh, mất sức lao động 21% trở lên; vợ (chồng), con của thương binh; con của AHLLVT, AHLĐ; con của người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được thưởng huân, huy chương kháng chiến; lao động là người dân tộc thiểu số; lao động thuộc hộ nghèo; lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; lao động thuộc hộ cận nghèo.

Trà Vinh quy định rõ mức hỗ trợ không hoàn lại các khoản chi phí. Theo đó, đối với học nghề ngắn hạn, hỗ trợ tối đa không quá 3 triệu đồng/người/khóa học không quá 12 tháng. Đối với học ngoại ngữ, hỗ trợ tối đa không quá 3 triệu đồng/người/khóa học. Hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài mức 530.000 đồng/người/khóa.

Người lao động trong thời gian thực tế học cũng được hỗ trợ tiền ăn. Về chi phí đi lại cho người lao động từ nơi cư trú đến nơi học đối với các học viên ở cách địa điểm học từ 10km trở lên đối với các xã đặc biệt khó khăn và từ 15km trở lên đối với các xã khác, mức hỗ trợ theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng tại thời điểm thanh toán hoặc theo mức khoán 3.000 đồng/km nhưng tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 400.000 đồng/lao động.

Bên cạnh việc hỗ trợ không hoàn lại các khoản chi phí, tỉnh Trà Vinh cũng hỗ trợ cho vay vốn. Mức cho vay cụ thể đối với từng người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được xác định căn cứ vào nhu cầu vay vốn của người vay để chi phí đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng tuyển dụng, khả năng trả nợ của người vay và khả năng nguồn vốn ủy thác của ngân sách tỉnh chuyển sang NHCSXH nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/người.

Mạnh từ vay ủy thác

Đánh giá công tác phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức hội, đoàn thể hơn 11 năm qua, ông Dương Huy Phong - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Trà Vinh cho biết: “Thông qua hoạt động ủy thác, NHCSXH tỉnh đã có sự phát triển cả vể quy mô và chất lượng tín dụng. Đến nay, tổng dư nợ của đơn vị đạt hơn 1.500 tỷ đồng, với 148.943 hộ vay. Thành công đó đã tạo nguồn lực để nâng cao năng lực tài chính cho NHCSXH, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách”.

Ngoài nguồn vốn được phân bổ từ Trung ương, tỉnh còn tập trung huy động các nguồn lực ủy thác tại địa phương, đồng thời triển khai tốt nguồn vốn huy động thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn, với phương châm: “Tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng”.

Trong thực hiện, các đơn vị nhận ủy thác luôn quan tâm đến việc xét duyệt cho vay đảm bảo dân chủ, công khai, đúng đối tượng, hộ vay vốn có phương án sử dụng vốn vay rõ ràng, có ý thức trả nợ, đồng thời UBND cấp xã thường xuyên tổ chức rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để kịp thời bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng.

Hoạt động ủy thác cho vay vốn của các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã tác động tích cực, giúp người dân phát triển kinh tế. Qua kiểm tra đánh giá thấy, trên 90% số hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy được vốn vay, đem lại hiệu quả tích cực, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhiều gia đình có điều kiện nuôi con em ăn học thành đạt, xây dựng nhà cửa khang trang.

Bà Nguyễn Thị Nhiền - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cầu Kè, cho biết: “Hoạt động ủy thác vốn vay từ NHCSXH không chỉ tạo điều kiện giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ mà còn là cơ sở thu hút chị em tham gia tổ chức hội, tạo sự đoàn kết thống nhất, từ đó vai trò vị trí của phụ nữ được nâng lên trong gia đình và ngoài xã hội. Không những vậy, thông qua hoạt động ủy thác, hội đã tập hợp chị em để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Cũng theo Phó Giám đốc Dương Huy Phong: “Trà Vinh vẫn còn là tỉnh nghèo, trong đó, đồng bào Khmer chiếm tỷ lệ lớn. Do đó, việc hỗ trợ vốn cho các hộ đồng bào Khmer là hết sức cần thiết. Đến nay, gần như 100% hộ đồng bào dân tộc Khme có hoàn cảnh khó khăn đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Chính phù thông qua NHCSXH”.

Bài và ảnh Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác