“Tôi từng không dám mơ thoát đời làm mướn”

12/08/2014
(VBSP News) Đó là tâm sự của chị Thạch Thị Sa Rone ở phường 9, TP. Trà Vinh (Trà Vinh). Đồng vốn chính sách nhỏ đã bắc những bậc thang vững chắc giúp gia đình chị thoát khỏi nghèo khó. Từ khi chỉ làm thuê vác mướn, hiện gia đã chị đã có “cơ ngơi” riêng, tự tin phát triển kinh tế hộ gia đình và nuôi dạy con cái trưởng thành.
Ông Võ Văn Hồng phấn khởi bên vườn ổi trồng xen thanh long

Ông Võ Văn Hồng phấn khởi bên vườn ổi trồng xen thanh long

Niềm vui bên những gốc thanh long

Năm 2010, ông Võ Văn Hồng, sinh năm 1960, ngụ phường 8, TP. Trà Vnh được Hội CCB đề xuất với NHCSXH cho vay vốn làm kinh tế. Từ số vốn ban đầu là 10 triệu đồng, ông Hồng cải tạo 4.000m² đất để trồng giống thanh long ruột đỏ vì giống cây này được Nhà nước hỗ trợ vốn. Chỉ 2 năm sau, nhờ siêng năng chăm sóc học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình thành công khác, vườn thanh long của ông đã đạt hiệu quả và cho thu nhập gần 30 triệu đồng/năm.

Đến năm 2012, ông quyết định áp dụng phương pháp mới, ông Hồng cho biết: “Tôi xem ti vi thấy người ta trồng rất hiệu quả mô hình 4 trụ thanh long, mình trồng một cây ổi ở giữa. Sau 2 năm phát triển lên tới hơn 200 nhánh ổi, hiện nay gia đình tôi đã có nguồn thu từ vườn ổi hiệu quả còn hơn vườn thanh long cũ. Ba tháng trước tôi còn trồng thêm 50 nhánh ổi Nữ hoàng, một giống ổi mới, hiệu quả kinh tế rất cao”. Vụ ổi vừa rồi, ông phấn khởi khoe thu được khoảng 50 triệu đồng - con số đáng mơ ước của nhiều nhà vườn với vài trăm gốc ổi.

Nhìn lại khoảng thời gian vài năm về trước, ông Hồng không khỏi vui mừng: “Tôi được như hôm nay là nhờ sự quan tâm của anh em trong Hội CCB và sự ưu đãi của NHCSXH. Đây đúng là ngân hàng của người nghèo chúng tôi. Nhờ vào nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua NHCSXH mà gia đình tôi có thể vươn lên thoát nghèo. Từ một công nhân với thu nhập bấp bênh, hiện nay vợ chồng tôi và hai người con có công ăn việc làm ổn định”.

Đồng vốn nhỏ giúp người Khmer thoát nghèo

Cùng chúng tôi đến thăm gia đình chị Thạch Thị Sa Rone và anh Tô Bê, phường 9, TP. Trà Vinh, chị Trần Thị Hồng Tấn - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường kể: “Trước đây gia đình chị Sa Rone nghèo lắm. Vì thiếu vốn sản xuất chăn nuôi nên vợ chồng chị Sa Rone chỉ biết làm thuê làm mướn nuôi con”.

Chị Sa Rone chăm sóc đàn bò của gia đình được đầu tư từ vốn chính sách

Chị Sa Rone chăm sóc đàn bò của gia đình được đầu tư từ vốn chính sách

“Năm 2005, gia đình được NHCSXH xét hồ sơ cho vay số số tiền là 3 triệu đồng. Cầm số tiền lớn trong tay, vợ chồng tôi mừng đến rớt nước mắt. Vốn có kỹ thuật chăn nuôi heo, bò, vợ chồng tôi quyết định đầu tư nuôi heo thịt - chị Sa Rone kể - từ 1, 2 con ban đầu sau 3 năm cố gắng, gia đình tôi đã sở hữu đàn heo lên đến chục con. Vài năm trở lại đây, gia đình tôi quyết định đầu tư nuôi bò để tăng thu nhập. Đàn bò của gia đình tôi hiện đã có 8 con. Còn đàn heo cũng được chuyển sang thành heo giống để đỡ vất vả mà thu nhập cao hơn”.

Hiện heo nái nhà chị Sa Rone cứ 5 tháng lại cho xuất chuồng một lứa, một lứa từ 4 đến trên 10 con, mỗi lứa trị giá 3 triệu đồng. Với nguồn thu ổn định này, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo từ nhiều năm nay. Chị tâm sự: “Lúc trước cả hai vợ chồng chỉ biết làm thuê làm mướn, nay đã thoát nghèo rồi, con cái cũng đã nên người, ổn định. Được như vậy là nhờ Nhà nước đã hỗ trợ vốn cho gia đình chúng tôi.

Ông Dương Huy Phong - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Trà Vinh cho biết: “Ngân hàng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bà con có thể dễ dàng tiếp cận vốn ưu đãi, như cho vay không cần thế chấp tài sản, thủ tục cho vay đơn giản, nhận và đóng tiền tại xã không phải đi lại vất vả… Tập thể cán bộ, nhân viên sẽ nỗ lực hơn nữa để giúp đỡ bà con ở địa phương không chỉ thoát nghèo mà còn thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu”, ông Phong khẳng định.

Bài và ảnh Nguyên Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác