Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và NHCSXH giao ban công tác ủy thác 6 tháng đầu năm 2014

07/08/2014
(VBSP News) Chiều ngày 06/8, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và NHCSXH đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác uỷ thác 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn và Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý đồng chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo công tác ủy thác 6 tháng đầu năm 2014 của Hội Nông dân nêu rõ: Đến hết tháng 6/2014, thông qua 65.938 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý đã có trên 2,33 triệu hội viên nông dân được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền là 41.837 tỷ đồng, mức vay bình quân khoảng 18 triệu đồng/hộ vay. Trong đó, dư nợ tập trung cao ở các chương trình: hộ nghèo đạt 13.620 tỷ đồng; HSSV 10.781 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 4.580 tỷ đồng và hộ cận nghèo đạt 4.573 tỷ đồng.

Để phát huy những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các cấp phối hợp chặt chẽ với NHCSXH cùng cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của cácTổ tiết kiệm và vay vốn; triển khai thực hiện tốt các công đoạn nhận ủy thác, trong đó, thực hiện chặt chẽ việc bình xét cho vay đúng đối tượng, đảm bảo tính công khai, dân chủ; đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đến hạn, nợ bị chiếm dụng, phấn đấu tăng trưởng dư nợ hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Đối với các tỉnh khu vực Tây Nam bộ và các tỉnh có chất lượng tín dụng thấp, Hội Nông dân các cấp phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai thực hiện các giải pháp theo Đề án đề ra nhằm nhanh chóng khắc phục những tồn tại, yếu kém.

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý phát biểu tại Hội nghị

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý ghi nhận những kết quả đạt được của Hội Nông dân Việt Nam đã đạt được trong thực hiện công tác ủy thác vốn vay từ NHCSXH 6 tháng đầu năm 2014. Phó Tổng Giám đốc đề nghị hai cơ quan cần tiếp tục nghiên cứu để có thêm cơ chế, chính sách về tín dụng chính sách cho nông dân, hướng tới các nội dung cụ thể như xây dựng nông thôn mới và giúp nông dân tăng chuỗi giá trị nông sản, tiếp tục triển khai lồng ghép công tác ủy thác cho hộ nghèo với các chương trình dự án của Hội và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng và mở rộng các mô hình tiên tiến tạo động lực cho người dân thi đua sản xuất, kinh doanh. Phó Tổng Giám đốc cũng lưu ý các cấp Hội Nông dân làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền tín dụng chính sách để hội viên nông dân hiểu, từ đó phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm của hội viên trong việc vay, sử dụng hiệu quả đồng vốn và trả nợ đúng kỳ hạn.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu kết luận Hội nghị

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, cho biết, ngay từ đầu năm 2014, Hội Nông dân đã quyết liệt chỉ đạo 5 vấn đề trọng tâm, gồm: Tăng trưởng dư nợ; giảm nợ quá hạn; sử dụng vốn hiệu quả; giúp nông dân biết cách làm ăn, giảm nghèo, nâng cao đời sống hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

Phó Chủ tịch đề nghị NHCSXH tiếp tục tạo điều kiện bố trí nguồn vốn cho vay một số mô hình điểm do Hội Nông dân chỉ đạo theo hướng cho vay theo dự án nhằm giúp đỡ người nghèo vươn lên thoát nghèo, mô hình xây dựng gia đình nông dân phát triển. Phó Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh: “Mục tiêu cao nhất của Hội trong thực hiện công tác ủy thác cho vay vốn chính sách là nâng cao chất lượng đời sống nông dân”.

“Trong 6 tháng đầu năm 2014, dư nợ uỷ thác của NHCSXH qua “kênh” Hội Nông dân Việt Nam tăng 3,75% (tương đương1.513 tỷ đồng), tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khu vực có dư nợ tăng trưởng cao là: Đồng bằng sông Cửu Long tăng gần 289 tỷ đồng; Bắc Trung Bộ tăng 270,3 tỷ đồng; Đông Bắc tăng 230,5 tỷ đồng. Địa phương có dư nợ uỷ thác cao nhất là Thanh Hóa: 2.616 tỷ đồng; tiếp theo là TP. Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Đắk Lắk với dư nợ ủy thác đạt trên 1.000 tỷ đồng”.

Tin và ảnh Ngọc Cường - Tuấn Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác