Xã Đưng K’Nớ thoát nghèo hiệu quả

11/08/2014
(VBSP News) Là xã nghèo của tỉnh, vừa qua, Đưng K’Nớ thuộc huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) là 1 trong 13 xã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, giai đoạn 2009 - 2013.
Cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cho ông Bon Niêng Ha Bang (trái) tham gia mô hình thâm canh cà phê

Cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cho ông Bon Niêng Ha Bang (trái) tham gia mô hình thâm canh cà phê

Cách trung tâm huyện lỵ Lạc Dương 50km đường rừng, từ hồ Đan Kia - Suối Vàng men theo đường Trường Sơn Đông đến xã Đưng K’Nớ, với khoảng 340 hộ, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Do địa hình đất sản xuất nông nghiệp có độ dốc lớn, quy mô manh mún, trình độ canh tác lạc hậu, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao.

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Nguyễn Quốc Kỳ, nhấn mạnh: Huyện ủy, chính quyền xác định giảm nghèo nhanh và bền vững tại các xã nghèo, thôn nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Vấn đề quan trọng là hộ nghèo, hộ cận nghèo phải thực sự chuyển biến từ nhận thức không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội đến ý thức tự lực, tự cường, đăng ký thoát nghèo, cận nghèo. Khi dân đã đăng ký từ huyện xuống đến xã, các cơ quan, hội, đoàn thể phải hỗ trợ kịp thời; vân dụng chính sách một cách thiết thực. Theo số liệu thống kê, năm 2009, xã Đưng K’Nớ có tỷ lệ hộ nghèo là 47,32%, năm 2012 giảm xuống còn 29,7% và năm 2013 là 21,8%. Tỷ lệ hộ nghèo hai năm nay của Đưng K’Nớ giảm mạnh (trên 7%), cao nhất trong 4 xã nghèo của huyện Lạc Dương, nhờ huyện quyết liệt triển khai 6 mô hình giảm nghèo, gồm thâm canh cà phê, chăn nuôi lợn địa phương, nuôi vịt xiêm, nuôi gà thả vườn, nuôi cá nước ngọt và nuôi bò sinh sản. Đây là những mô hình không đòi hỏi đầu tư quá cao, kỹ thuật thâm canh không quá phức tạp nhưng lại sớm cho thu hoạch và khả năng nhân rộng cao tại cộng đồng. Năm 2013, ngân sách tỉnh hỗ trợ xã Đưng K’Nớ 1 tỷ đồng để thâm canh 100ha cà phê với 127 hộ, trong đó có 97 hộ nghèo và 31 hộ cận nghèo. Do chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất cà phê đạt trên 3,6 tấn/ha. Mô hình này phù hợp với trình độ, tập quán của người dân. Qua mô hình bà con được hỗ trợ vốn, được chuyển giao KHKT và nhận thức chuyển biến. Cùng với huyện, Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng vừa hoàn thành nhiều mô hình vườn, chuồng theo kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi mới. Đồng thời chuyển giao rộng rãi tới bà con đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Cụ thể, trong 2 năm (2012 - 2013) trung tâm đã xây dựng tại xã Đưng K’Nớ, 4 mô hình thâm canh cây cà phê, ủ phân vi sinh, chăn nuôi gà thả vườn, nuôi lợn. Chủ nhiệm dự án Nguyễn Văn Quang cho biết: “Nông dân đã nắm bắt được các quy trình thâm canh cây cà phê, ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê, nuôi heo địa phương theo hướng bán chăn thả có kiểm soát dịch bệnh, nuôi gà thả vườn hướng thịt… Qua triển khai các mô hình, thu nhập bình quân của các hộ nghèo đạt 600 - 700 ngàn đồng/người/tháng, có hộ đạt 1,3 triệu đồng/người/tháng. Kết thúc năm 2013, Đưng K’Nớ có 27 hộ thoát nghèo, đạt mức tổng thu 25,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 13,6 triệu đồng/người/năm. 95% sô hộ dân trong xã được sử dụng nước hợp vệ sinh và điện lưới quốc gia”.

Ở đâu có người nghèo là ở đấy có NHCSXH. Năm 1979 anh Bon Niêng Ha Chiêng lập gia đình. Vợ chồng góp sức khai hoang trồng 2ha cà phê. Do thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu vốn đầu tư, thu nhập hàng năm không được bao nhiêu, lại thêm những đứa con lần lượt ra đời… gia đình quanh năm đói ăn và thiếu mặc. Năm 2004, anh tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân xã Đưng K’Nớ thành lập và được vay 10 triệu đồng với lãi suất rất ưu đãi thời điểm đó, trong chương trình cho vay hộ nghèo để cải tạo vườn cà phê. Qua các đợt tập huấn mắt thấy, tai nghe anh còn được cán bộ khuyến nông “cầm tay, chỉ việc” từ tỉa cành, chăm bón cây cà phê đến làm chuồng nuôi gà, nuôi heo… Làm theo cán bộ, vườn cà phê nhà anh ngày càng tươi tốt, thu hạch năm sau cao hơn năm trước. Ngoài ra, anh còn nhận bảo vệ 22ha rừng, hàng quý được trả số tiền 500 ngàn đồng. Anh có tiền trang trải cuộc sống gia đình, hàng quý trả lãi đúng hạn cho ngân hàng. Năm 2007, trả hết nợ cũ, anh mạnh dạn xin vay 20 triệu đồng để xây chuồng, chăn nuôi heo. Hiện, gia đình anh đã sửa được nhà ở, mua tivi, xe máy đi làm vườn, các con được đi học, kinh tế gia đình ngày càng khá.

Bon Niêng Ha Chiêng là tấm gương xóa nghèo từ nguồn vốn ưu đãi. Sau khi củng cố sắp xếp lại Tổ tiết kiệm và vay vốn, anh được bà con tin tưởng bầu làm Tổ trưởng với 42 thành viên, dư nợ 420 triệu đồng. Anh đã vận động bà con trong tổ sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả tiền lãi và gốc đúng kỳ hạn, tuyên truyền cho bà con hiểu chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Năm 2014, xã Đưng K’Nớ phấn đầu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 18,05%, thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm. Bí thư Đảng ủy xã Bon Niêng Ha Đăng cho biết, những năm qua Đưng K’Nớ đã biết lồng ghép sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư các chương trình, như 135, xây dựng nông thôn mới, phát triển lâm nghiệp, vay vốn ưu đãi… Thông qua các chương trình, dự án hầu hết người dân thuộc đối tượng thụ hưởng đều được tiếp cận trực tiếp với các chính sách. Để vươn tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh Minh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác