Tăng cường công tác uỷ thác vay vốn chính sách

14/08/2014
(VBSP News) Đến hết tháng 6, dư nợ các Chương trình cho vay của NHCSXH tỉnh Phú Thọ đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cả năm 2013. Thông qua nguồn vốn ưu đãi nhiều xã, thị trấn thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố trên vùng đất Tổ Hùng Vương đã có cách làm hay góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân và hướng tới sự phát triển toàn diện, bền vững.
Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH tỉnh Phú Thọ giải ngân cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Điểm giao dịch xã

Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH tỉnh Phú Thọ giải ngân cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
tại Điểm giao dịch xã

Theo ông Nguyễn Hồng Thao - Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ, việc triển khai hiệu quả các Chương trình tín dụng ưu đãi là nhờ sự ủng hộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhất là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngân hàng với các tổ chức hội, đoàn thể trong quá trình uỷ thác cho vay.

Ông Thao đã dẫn chứng về huyện Lâm Thao, nơi đây đang cho vay 7 chương trình tín dụng ưu đãi thì tất cả đều cho vay theo phương thức uỷ thác qua các tổ chức hội, đoàn thể ở 316 Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc 15 xã, thị trấn. Nhờ đó hàng nghìn hộ dân được vay vốn thuận lợi, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Còn ở huyện miền núi Thanh Sơn, trong giai đoạn 2005 - 2013, thông qua 8 chương trình cho vay, NHCSXH huyện và các tổ chức hội, đoàn thể ở các xã, thị trấn đã triển khai chuyển vốn kịp thời đến hơn 39 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với số tiền hơn 992 tỷ đồng. Bình quân mỗi khách hàng vay vốn đạt 4,8 triệu đồng năm 2005 tăng lên 16,2 triệu đồng năm 2013, gấp 3,37 lần. Qua chương trình tín dụng chính sách đã có tới 10 nghìn hộ thoát nghèo và cải thiện đời sống, hơn 7 nghìn lao động được tạo việc làm mới.

Riêng xã Yên Tập, huyện miền núi Cẩm Khê đã được NHCSXH huyện phối hợp nhịp nhàng với các tổ chức hội, đoàn thể, các cha cố xứ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn vay hợp lý và thực hiện nộp lãi, trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn, cụ thể suốt hơn 10 năm qua, vùng quê thiên chúa giáo này không có tình trạng lãi tồn, đọng và nợ quá hạn, góp phần đạt chất lượng cao về tín dụng chính sách. Chị Phan Thị Ánh Duyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Tập, cho biết: “Do có sự phối hợp, giúp đỡ của NHCSXH huyện Cẩm Khê, các cán bộ hội cùng với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đã rà soát từng trường hợp, bình xét công khai ở thôn, đồng thời trực tiếp hướng dẫn các hộ sử dụng vốn vào những lĩnh vực ít rủi ro, có khả năng thu lợi nhuận, đặc biệt thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở hộ vay vốn chính sách thực hiện trả nợ, nộp lãi đúng kỳ hạn. Hầu hết, các tổ do Hội Phụ nữ xã Yên Tập quản lý không có tình trạng vay ké, xâm tiêu vốn vay hay khoản nợ xấu nào”.

Theo hướng dẫn của vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Tập, chúng tôi đã đến thăm gia đình chị Phan Thị Tươi ở khu 5 nhờ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi làm động lực để thực hiện những dự định, kế hoạch sản xuất bứt phá qua nghèo khó. Với khoản tiền 59 triệu đồng được vay (bao gồm 9 triệu đồng vay hộ nghèo năm 2008, 30 triệu đồng vốn tín dụng HSSV năm 2009 và 20 triệu đồng hộ cận nghèo tháng 6/2013), chị Tươi đã đầu tư nuôi lợn nái, lợn thịt và chăm lo cho 3 người con học đại học. Nhờ đầu tư đúng, chăm chỉ lao động, lại được cán bộ tín dụng, khuyến nông tận tình hướng dẫn cách lồng ghép sử dụng vốn vay chính sách với kỹ thuật sản xuất, mỗi năm thu nhập của gia đình đều tăng, giờ đây chị Tươi đã thoát nghèo bền vững, con cái học giỏi ra trường có việc làm ổn định, giúp bố mẹ trả gần hết nợ vay của ngân hàng.

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Tuy cũng ở xóm 5 đã có chung niềm vui khi được vay vốn chính sách. Chồng bị bệnh cảm lão, teo cơ, một mình bà làm 3 sào ruộng nuôi các con ăn học, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo. Nhờ Hội Phụ nữ xã và NHCSXH huyện giúp đỡ, chị đã sử dụng 75 triệu đồng vay chương trình tín dụng HSSV trang trải kinh phí cho cả 3 người con học đại học đến nơi đến chốn, cùng với đó, bà còn mạnh dạn đầu tư 20 triệu đồng vốn vay hộ cận nghèo chăn nuôi 1 con trâu sinh sản và đàn gà 50 con. Hiện gia đình bà đã ổn định cuộc sống, mua sắm được nhiều vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Để nguồn vốn ưu đãi tiếp tục phát huy hiệu quả, NHCSXH tỉnh Phú Thọ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác cho vay, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở tăng cường giám sát quy trình bình xét cho vay đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng đối tượng; cùng với đó việc kiến nghị bổ sung nguồn vốn vay, NHCSXH chú trọng triển khai các giải pháp phấn đấu nâng tổng dư nợ lên hơn 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2014, đáp ứng nhu cầu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách về nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh Trần Đởng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác