Có vốn, có nhà vững chãi
Có nhà rồi, lo làm ăn thôi
“Gia đình tôi nghèo, không có tiền sửa chữa nên ngôi nhà lợp lá bị xiêu vẹo, các cây cột bị mối ăn, trời mưa là dột. Từ vốn vay theo Quyết định số 167, gia đình tôi cố gắng đi làm thuê, góp thêm vài triệu đồng để căn nhà thêm khang trang như thế này. Từ khi có nhà mới, gia đình tôi yên tâm tập trung sản xuất, giờ đã thoát nghèo rồi”, bà Mun Thị Cuội, ngụ ở ấp Bàu Sơn, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, vui mừng chia sẻ với chúng tôi.
Còn ông Thạch Sam ngụ cùng ấp với bà Cuội cũng không giấu được niềm vui: “Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm mấy chú ơi. Vợ chồng tôi có 3 đứa con đang đi học nhưng không có đất sản xuất, ai mướn làm gì thì làm nấy. Năm 2009, được Nhà nước hỗ trợ vay vốn, nhờ đó mà gia đình tôi xây được căn nhà che mưa che nắng. Giờ chỉ còn lo làm ăn thôi”.
Ông Kim Phinh - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: “Thấy được tầm quan trọng của Quyết định số 167, để tạo điều kiện cho nhân dân ổn định cuộc sống, chúng tôi đã thường xuyên đến từng hộ, từng ấp tìm hiểu đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Từ đó, lựa chọn những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn nhất để lập danh sách đề nghị”.
Theo ông Phinh, Châu Thành là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhờ nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước, trong đó nổi bật là sự hỗ trợ theo Quyết định số 167, đời sống nhân dân dần được cải thiện, số hộ thoát nghèo ngày càng tăng. Đến nay, toàn huyện có 4.641 hộ được NHCSXH cho vay tiền làm nhà, với tổng dư nợ 37.114 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch.
100% hộ sử dụng vốn vay hiệu quả
Ông Dương Huy Phong - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Trà Vinh cho biết: “Khi nhận được nguồn vốn chuyển về, chúng tôi đã nhanh chóng tham mưu cho UBND tỉnh Trà Vinh ký quyết định phân bổ về các huyện. Phòng giao dịch NHCSXH các huyện có nhiệm vụ phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn đi thực tế kiểm tra số hộ dân cần được hỗ trợ để thống kê, báo cáo. Sau đó, mời bà con đến UBND xã, thị trấn để làm thủ tục nhận vốn vay”.
“Nhờ NHCSXH cấp huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể, trong đó có Hội Nông dân trong khâu lựa chọn, bình xét các đối tượng được thụ hưởng nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn đạt rất cao. Cụ thể, qua công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị cho thấy, 100% hộ vay đều sử dụng đúng mục đích nguồn vốn. Những hộ được thụ hưởng chí thú làm ăn nên nhanh chóng thoát nghèo”, ông Phong cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phong nhấn mạnh rằng: “Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Trà Vinh tiếp tục phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, Ban Dân tộc tỉnh và các hội, đoàn thể cho người dân nghèo vay vốn; lồng ghép vốn vay với các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, bồi dưỡng kiến thức sản xuất, kinh doanh cho người vay vốn. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách có liên quan để giúp người dân hiểu đúng và sử dụng vốn vay có hiệu quả hơn”.
Bài và ảnh Ngọc Tú
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Tạo cơ hội thoát nghèo bền vững cho nông dân miền Đông Nam bộ
- » Giảm nghèo ở xã ven đô
- » Đơn Dương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu công nghệ cao
- » Tăng cường công tác uỷ thác vay vốn chính sách
- » Hỗ trợ phát triển sản xuất kịp thời
- » “Tôi từng không dám mơ thoát đời làm mướn”
- » Giúp dân ven đô thoát nghèo, làm giàu
- » Phụ nữ miền núi coi trọng đồng vốn ưu đãi
- » Xã Đưng K’Nớ thoát nghèo hiệu quả