Giảm nghèo ở xã ven đô

14/08/2014
(VBSP News) Năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới trên 40%, còn đến năm 2013 giảm xuống còn 10,08%. Chuyển biến đó là một sự nỗ lực đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Thành tích giảm nghèo đáng nể trên của xã Khánh Thượng có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn của NHCSXH.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ngãi thoát nghèo nhờ nuôi trâu sinh sản

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngãi thoát nghèo nhờ nuôi trâu sinh sản

Vốn ưu đãi góp công giảm nghèo

Đến địa danh Đá Chông thuộc huyện Ba Vì (TP. Hà Nội), rẽ trái theo đường 415, vượt qua khoảng hơn 10km ngoằn ngoèo đèo dốc và cua tay áo của dãy núi Ba Vì, chúng tôi tới Khánh Thượng, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa nhất của TP. Hà Nội, có địa bàn giáp ranh với tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ. Tạo hóa ban cho vùng núi hoang sơ ở Khánh Thượng một cảnh quan thiên nhiên cực hấp dẫn với khách du lịch, song nguồn lợi du lịch này đến nay vẫn chưa được quan tâm khai thác.

Hoạt động kinh tế của người dân xã nghèo Khánh Thượng cho đến nay vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn cũng có một số doanh nghiệp, vài ba đại lý làm về thương mại, nhưng mức độ quy mô chưa thấm vào đâu so với các địa bàn khác của thủ đô. Đó là những thông tin ban đầu khi lần đầu tiên chúng tôi đặt chân đến xã Khánh Thượng. Song với những người dân và lãnh đạo chính quyền xã thì Khánh Thượng ngày nay đã khác trước rất nhiều.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết, so với khoảng 5 năm trước thì xã đã thay da đổi thịt nhiều. Bởi năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới trên 40%, còn đến năm 2013 giảm xuống còn 10,08%. Chuyển biến đó là một sự nỗ lực đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Cập nhật mới nhất được ông Nguyễn Hữu Thịnh đưa ra là hiện xã Khánh Thượng có 1.982 hộ với 8.704 khẩu, trong đó khoảng 190 hộ nghèo.

Theo đánh giá của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể địa phương thì thành tích giảm nghèo đáng nể trên của Khánh Thượng có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn của NHCSXH. Tính đến nay dư nợ cho vay của NHCSXH mà trực tiếp là NHCSXH huyện Ba Vì đạt gần 20 tỷ đồng. Từ nguồn vốn có lãi suất ưu đãi này, người dân trong xã đã mạnh dạn mua giống cây trồng, vật nuôi, đầu tư công cụ sản xuất… trong đó nhiều hộ giảm nghèo và làm giàu từ nghề chế biến dong riềng.

Nhu cầu vay vốn còn nhiều

Cùng với cán bộ tín dụng Nguyễn Thị Hằng, chúng tôi đến thăm gia đình anh Vương Đức Thắng ở thôn Bưởi, xã Khánh Thượng - một trong những gương điển hình về làm kinh tế giỏi. Mới tròn 30 tuổi Thắng đã có cơ nghiệp là trang trại theo mô hình VAC rộng 2ha với 300 con vịt, 200 con gà đẻ trứng và 200 con lợn thịt, cùng đàn trâu bò hơn 10 con.

Ngoài ra, anh còn có hồ nuôi cá rộng 7 mẫu. “Để có được thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm như ngày hôm nay, tôi đã được hỗ trợ vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng từ chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn của NHCSXH. Tôi mong NHCSXH tiếp tục cho vay vốn với hạn mức cao hơn nữa để gia đình đầu tư trồng rừng, phát triển kinh tế trang trại”, anh Thắng tâm sự.

Không làm ăn lớn như anh Thắng, bà Nguyễn Thị Ngãi lại nhờ tới đồng vốn của NHCSXH để thoát nghèo. Đầu năm 2013, gia đình được vay 22 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH để nuôi trâu sinh sản. Trâu đã đẻ được 2 con và vừa rồi gia đình bán 1 con được 18 triệu đồng. Bà Ngãi vui vẻ cho biết, từ vốn vay của NHCSXH đã tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho gia đình vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, bà cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục được vay vốn NHCSXH nhiều hơn nữa.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hải Ba - Giám đốc NHCSXH huyện Ba Vì cho biết, mặc dù thuộc địa bàn của thủ đô nhưng Ba Vì là huyện vẫn còn nghèo. Chính vì vậy, nhu cầu vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh của người dân là rất lớn.

Theo bà, hiện nay đối tượng thụ hưởng các chương trình cho vay ưu đãi, chính sách của huyện cũng nhiều hơn so với huyện khác của thành phố. Ngoài các chương trình cho vay hộ nghèo, HSSV, NS&VSMTNT,… thì huyện Ba Vì còn có cả chương trình tưởng như chỉ ở những tỉnh xa xôi của miền núi phía Bắc mới có, như cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn và cho vay thương nhân miền núi.

Chính vì nhu cầu vay vốn lớn nên dư nợ cho vay của Ba Vì đứng đầu hệ thống NHCSXH TP. Hà Nội với 318 tỷ đồng với trên 20 nghìn hộ được hưởng thụ vốn vay ưu đãi. “Địa bàn rộng lớn, địa hình chia làm 3 vùng: đồng bằng, trung du và miền núi, đặc biệt có xã Ba Vì chiếm tới 98% là người đồng bào Dao, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn khoảng 7,9%. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải tiếp tục nỗ lực chuyển tải vốn ưu đãi tới bà con để họ thoát nghèo bền vững”, bà Nguyễn Thị Hải Ba tâm sự.

Bài và ảnh Đức Nghiêm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác