Nông dân Diễn Châu được tiếp sức

20/08/2014
(VBSP News) Diễn Châu là huyện có nền kinh tế đa dạng, gồm đồng bằng, miền núi, ven biển, lại là nơi có số hội viên nông dân đông nhất tỉnh Nghệ An, với 42 nghìn hội viên trong tổng số hơn 30 vạn người đang sinh hoạt ở các Chi Hội Nông dân thuộc 39 xã, thị trấn, 460 xóm khu dân cư toàn huyện. Những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Diễn Châu đã phối hợp tốt với NHCSXH thực hiện việc uỷ thác vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp nhiều hội viên có vốn phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Diễn Châu hướng dẫn bà con nông dân ở các xã vay vốn

Cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Diễn Châu hướng dẫn bà con nông dân ở các xã vay vốn

Ông Nguyễn Văn Viên - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: nguồn vốn ưu đãi đã tiếp sức cho đông đảo hội viên nghèo trong huyện. Tính đến nay, dư nợ ủy thác qua “kênh” Hội Nông dân huyện đạt 208 tỷ đồng, với 260 Tổ tiết kiệm và vay vốn cho 8.845 hộ hội viên vay, trong đó có tới hơn 3.100 hộ nghèo vay. Từ đầu năm 2014 đến nay có 711 hộ cận nghèo được vay 16 tỷ đồng. Tiêu biểu như xã ven biển Diễn Trung, với 2.035 hộ, hơn 10 nghìn nhân khẩu, trong khi đất canh tác có 500ha, phần lớn bạc màu, khô hạn, Hội Nông dân đã đứng ra nhận ủy thác trên 6 tỷ đồng, giúp cho 330 gia đình hội viên nghèo đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Các hội viên vay vốn ở đây thuộc đối tượng nghèo, do kịp thời được tư vấn sử dụng vốn vay ưu đãi vào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình trang trại sản xuất hàng hóa, nên hàng năm có khoảng 25% hội viên vay vốn có điều kiện thoát nghèo.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Trung Trần Văn Dung, chia sẻ: cùng với việc thực hiện ủy thác vay vốn ưu đãi, hội đã tham mưu cấp trên cho đấu thầu 60ha đất hoang hóa, ao đầm để những hộ có vốn làm kinh tế VAC. Nhờ đồng vốn chính sách và thực hiện gieo trồng đúng thời vụ, tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm, nên 6 tháng qua, xã Diễn Trung được mùa lớn. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục rà soát và kiểm tra các hộ nghèo, hộ cận nghèo để đưa vốn về đúng đối tượng, phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp chuyển giao KHKT cho hội viên, nhân rộng mô hình sử dụng vốn vay chính sách hiệu quả để bà con học tập.

Đối với các xã trọng điểm trồng lúa, cây ăn quả của huyện Diễn Châu, Hội Nông dân cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo là hội viên vay vốn ưu đãi, bình quân mỗi xã từ 4 đến 6 tỷ đồng từ các chương trình tín dụng của NHCSXH. Nhờ vậy bà con đã thâm canh mỗi năm 2 vụ lúa chiêm xuân và hè thu đạt năng suất cao. Còn hơn 200ha vườn tạp được nông dân cải tạo, đầu tư vốn vay từ NHCSXH phát triển trồng cây ăn quả đặc sản như cam, chanh, bưởi. Các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên làm cuộc “cách mạng xanh” trên đồng ruộng, vườn đồi, vườn rừng bằng việc dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, làm giao thông thủy lợi, sản xuất phân chuồng, phân xanh.

Đầu tư trồng cây ăn quả - hướng đi đúng tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân Diễn Châu

Đầu tư trồng cây ăn quả - hướng đi đúng tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân Diễn Châu

Thông qua Hội Nông dân, anh Nguyễn Văn Trung ở xã Diễn Vạn được vay 20 triệu đồng đầu tư giống cây trồng, phân bón chủ lực để phát triển kinh tế vườn đồi. Đến nay, từ diện tích 3ha, anh đã trồng được 1.000 gốc cam, trong đó có 600 cây cho thu hoạch. Từ vườn cây ăn quả đã cho anh nguồn thu nhập đáng kể thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trả hết nợ vay cho ngân hàng và tạo việc làm cho 6 lao động trong thôn, xóm có mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Trung bộc bạch: “Có NHCSXH đồng hành, nông dân chúng tôi không lo thiếu vốn, chỉ sợ mình sử dụng kém hiệu quả, không biết tính toán thôi”.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu Nguyễn Văn Viên, nhấn mạnh: “Việc Hội thực hiện nhiệm vụ ủy thác nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, đây là nhiệm vụ chính trị trong công cuộc giảm nghèo ở nông thôn. Mong rằng NHCSXH tiếp tục tạo điều kiện, phối hợp với Hội để thực hiện tín dụng chính sách và nhiệm vụ chính trị được giao”.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác